Vay ưu đãi mua nhà: Rắc rối hợp đồng 3 bên
Đã hơn 1 tháng triển khai cho vay ưu đãi mua nhà tình hình không mấy khả quan.Vẫn còn quá nhiều rắc rối tồn tại và phát sinh khiến người mua nhà không thể vay vốn.
Người mua giữa dòng
Sau một tháng triển khai gói 30.000 tỷ hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội mới chỉ có hơn chục trường hợp được ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay vốn. Các yêu cầu khắt khe về điều kiện vay vốn, tài sản thế chấp, hợp đồng 3 bên... đang trở thành rào cản khiến họ có nhu cầu khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này.
Theo quy định, đối với nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp thì bắt buộc người vay tiền mua nhà phải ký hợp đồng với chủ đầu tư và để đảm bảo việc sử dụng vốn vay đó sẽ trả nợ cho ngân hàng thì phải ký kết hợp đồng 3 bên. Quy định này đã khiến các hồ sơ đang bị "ngâm" tới gần tháng nay.
Chị Nguyễn Thị Mai (ở Quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang có vay tiền mua nhà tại thu nhập thấp tại Gia Lâm cho hay, sau khi hoàn thành giấy tờ vay vốn ưu đãi tại NH, hồ sơ của chị vẫn chưa được duyệt do vướng mắc từ hợp đồng 3 bên.
Ông Phan Trí Quyết, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico 5) cho biết, hơn nửa tháng nay, ngày nào ông cũng phải thêm việc sửa điều này điều kia cho các hợp đồng 3 bên của khách hàng vay ưu đãi. Ông Quyết xác nhận, cho đến thời điểm này, Handico 5 chưa ký được hợp đồng 3 bên nào nên chưa có khách hàng nào vay được tiền.
"Chúng tôi chỉ ký khi các điều khoản trong hợp đồng 3 bên không gây thiệt hại, không khiến chủ đầu tư phải đi "quét rác", chứ không sau này hạ bút ký xong chủ đầu tư lại cứ phải chịu trận thì không được. Thêm cái hợp đồng 3 bên này không chỉ thêm việc cho chủ đầu tư mà còn cực kỳ khó, phức tạp cho người đi vay tiền mua nhà", ông Quyết khẳng định.
Theo ông Quyết, hợp đồng này còn nhiều điều khoản gây bất lợi cho chủ đầu tư vì thực chất các NH muốn chủ đầu tư chịu một phần rủi ro. Đơn cử, người đi vay đã ký hợp đồng tín dụng với NH rồi, còn ký thêm HĐ 3 bên nữa. Khi người mua nhà tức người vay tiền có vấn đề gì, NH bắt chủ đầu tư trả khoản vay, khoản lãi và chi phí khác (nếu có) cho NH, đây là điều bất hợp lý, những thứ này người đi mua phải chịu chứ không phải chủ đầu tư.
Khi khách hàng không trả được nợ trong thời gian vay vốn, NH lại bắt chủ đầu tư phải mua lại căn nhà ở xã hội đó trong thời gian 1 hoặc 2 tháng , vô hình chung tạo sức ép cho chủ đầu tư. Bởi lẽ, trong thời gian khó khăn này không phải chủ đầu tư nào cũng có sẵn tiền để mua lại tài sản đấy, mà bán nhà ở xã hội còn phải đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn nên rất khó cho chủ đầu tư.
Ông Trần Xuân Hoàng, phó tổng giám đốc BIDV, cho rằng, đây là quy định bắt buộc để đảm bảo việc sử dụng vốn vay đó sẽ trả nợ cho ngân hàng. Trường hợp người vay không có khả năng trả được nợ trong thời hạn quy định của ngân hàng thì chủ đầu tư sẽ phải mua lại căn hộ đó. Nếu không, phía ngân hàng sẽ khó có thể đảm bảo ngân hàng thu được nợ.
Gỡ vướng chỉ một phần
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục cho vay. Trong đó, điểm mới là người vay mua nhà không phải chứng minh thu nhập. Tuy nhiên, việc xóa bỏ tiêu chí không phải xác minh thu nhập chỉ gỡ vướng một phần các điều kiện cho vay. Bởi NH vẫn phải thẩm định kỹ năng lực trước khi cho vay.
Theo quy ước, người vay dành khoảng 30% trên tổng thu nhập để lo cho việc trả nợ NH, 70% còn lại phải bảo đảm cho cuộc sống. Nếu người vay không có phương án trả nợ khả thi, khả năng được vay rất thấp. Vì vậy, việc loại bớt điều kiện trên không đồng nghĩa với việc sẽ vay dễ vì NH phải bảo đảm chất lượng tín dụng, không làm phát sinh thêm nợ xấu...
Còn theo đại diện một ngân hàng, vướng mắc lớn hiện nay là mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng đến ngày 1/7 mới có hiệu lực, do đó NH chưa thể giải ngân với những hồ sơ có mức thu nhập từ 5 - 9 triệu đồng mà phải chờ sau thời điểm trên mới có thể giải quyết.
Bên cạnh đó, một trở ngại khác là hầu hết khách hàng rất khó khăn khi hoàn thiện hồ sơ vì vướng ở khâu xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện ở và mức thu nhập thấp. Một số khách hàng là công chức, nhưng lại thiếu xác nhận về thực trạng nhà ở của cơ quan nơi công tác nên NH cũng không thể giải ngân được.
Ông Nguyễn Viết Mạnh Vụ trưởng Vụ Tín dụng - NHNN cho biết: "Không ai muốn làm khó người dân. Gói này không thể giải quyết cho tất cả các đối tượng thụ hưởng mà phải đủ điều kiện hoàn trả vốn cả gốc lẫn lãi mới được vay. Vì vậy, ngay khi thiết kế các điều kiện cho vay vốn, các ngân hàng phải đưa yếu tố thu hồi nợ lên hàng đầu để tránh nợ xấu sau này".
Đại diện Bộ xây dựng cho rằng: "Đây là gói tín dụng trung hạn, nên không thể giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ được, bởi người dân cũng cần phải có thời gian tìm hiểu, cân nhắc các lợi ích, khả năng tài chính, trả nợ...". Hiện Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà được tiếp cận gói tín dụng này.
Theo D.A
VEF