Vay mua nhà lãi suất 6%: Lấn cấn
Thời hạn vay chưa hợp lý, lo lãi suất “trở chứng” sau 3 năm đầu, không cho vay mua nhà ở xã hội gây thiệt thòi cho đối tượng thu nhập thấp… đang là những lo ngại của dư luận xung quanh dự thảo thông tư về cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước.
Trong dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay mua nhà 6%/năm áp dụng cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại trong thời gian 3 năm tính từ ngày 15/4. Sau thời gian này, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố mức lãi suất cho vay phù hợp để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vay vốn.
Lãi suất thấp nhưng vẫn lo
Theo đó, mức lãi suất cho vay sau thời điểm 3 năm sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường bất động sản (BĐS) và lãi suất trên thị trường lúc bấy giờ.
Chị Nguyễn Thị Minh, nhà ở quận 2 - TPHCM, cho biết thông tin cho vay mua nhà lãi suất 6%/năm làm vợ chồng chị rất mừng vì hy vọng sẽ mua được nhà. Nhưng khi thấy lãi suất chỉ cố định trong 3 năm đầu thì lại lo lắng. Chị tính toán mua một căn hộ chung cư giá 800 triệu đồng, được vay 80% giá trị căn hộ (640 triệu đồng). Nếu lãi suất 6%/năm cố định trong 10 năm, trung bình chị sẽ phải trả cả gốc và lãi khoảng 7 triệu đồng/tháng. “Nhưng sau 3 năm, nếu lãi suất tăng cao so với mức 6%/năm, vợ chồng tôi sẽ gặp rủi ro vì không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ Ngân hàng” - chị Minh băn khoăn.
Trong ảnh: Một dự án nhà tái định cư tại quận 2 - TPHCM.
Luật sư Trương Xuân Tám, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng lãi suất 6%/năm là khá ưu đãi so với thị trường lãi suất hiện nay nhưng thời gian 3 năm là quá thấp để người vay tính toán khoản thu trong những năm tới để trả nợ. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, việc Ngân hàng Nhà nước không nói rõ lãi suất mới sau thời gian 3 năm khiến người dân không yên tâm và không dám vay. Ngân hàng Nhà nước nên quy định cụ thể hơn. Chẳng hạn sau thời điểm này, nếu lãi suất mới thấp hơn 6%/năm, người vay sẽ được hưởng theo mức lãi suất mới. Còn nếu lãi suất cao hơn 6%/năm, người vay sẽ tiếp tục được hỗ trợ mức lãi suất cũ. “Không nên thả nổi mức lãi suất sau 3 năm tới để người vay yên tâm tạo lập nhà ở và tính toán được nguồn tiền để trả nợ” - ông Châu đề xuất...
Nhiều ý kiến cũng cho rằng thời hạn vay mua nhà cần nâng lên 20 năm mới phù hợp với khả năng tài chính của người thu nhập thấp, số tiền trả mỗi tháng cho ngân hàng cũng hợp lý hơn. “Với người thu nhập thấp, thời gian cho vay càng dài, kéo dãn khoản tiền vay càng bớt gánh nặng tài chính. Đây là mấu chốt trong việc cho vay mua nhà với người thu nhập thấp…” - luật sư Trương Xuân Tám nhận xét.
Thiệt thòi khi mua nhà ở xã hội
Theo các chuyên gia kinh tế, nhà ở xã hội có giá thấp hơn nhà ở thương mại và phù hợp với túi tiền của người thu nhập thấp nhưng trong dự thảo thông tư không cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất 6%/năm là thiệt thòi cho khách hàng. Về việc này, Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Chưa đủ cơ sở pháp lý để mua bán nhà ở xã hội và Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng không đề cập nên Ngân hàng Nhà nước không thể tự “bổ sung” hình thức “mua nhà ở xã hội” vào dự thảo thông tư.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu cho rằng tại khoản 1, điều 31 Nghị địnnh 71 của Chính phủ năm 2010 về hướng dẫn chi tiết triển khai Luật Nhà ở có nêu: Nhà ở xã hội có 3 hình thức là mua, thuê mua và thuê nên Ngân hàng Nhà nước giải thích như trên là không thỏa đáng! Việc cho phép vay mua nhà ở xã hội lãi suất 6%/năm cũng phù hợp với Thông tư 02 của Bộ Xây dựng vừa ban hành về chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội...
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng kiến nghị bổ sung điều khoản người dân được vay tiền lãi suất 6%/năm theo dự thảo thông tư để mua nhà ở xã hội. Trong bối cảnh hàng tồn kho BĐS còn nhiều như hiện nay, ngoài việc cần cơ cấu lại sản phẩm hợp lý, dòng tiền cần rót vào phần lớn nguồn cầu, người dân phải được vay mua nhà ở xã hội.
Chuyên gia tài chính ngân hàng - luật sư Trương Thanh Đức cho rằng mấu chốt của thị trường BĐS hiện nay là giá nhà quá cao, vượt quá sức của người thu nhập thấp. Với những căn hộ có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 phải người có thu nhập trung bình khá trở lên mới mua nổi. Lãi vay là một chuyện, quan trọng là tiền đâu để trả vốn gốc trong khi thu nhập bấp bênh? Trong khi đó, không ít doanh nghiệp lại chờ chính sách “giải cứu” từ Nhà nước mà không tính toán lại để hạ giá BĐS sẽ khiến chính sách hỗ trợ của Nhà nước khó khả thi, người mua vẫn “đứng ngoài cuộc”.
Nên tập trung vốn cho người mua
Bộ Xây dựng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước dành 65% vốn cho người dân vay, 35% cho doanh nghiệp vay để phát triển nhà ở xã hội. Ông Lê Hoàng Châu đề nghị nên dùng toàn bộ số tiền 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng vay thuê, mua nhà sẽ giúp nhiều người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. |
Theo Thái Phương
NLĐ