1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vay mua bất động sản lãi suất thấp: Coi chừng mắc bẫy!

(Dân trí) - “Cần đưa thông điệp rõ cho người vay vốn bất động sản rằng ưu đãi là có thời hạn trong khi bản chất đầu tư dài hạn. Khi đầu tư, lãi suất ưu đãi chỉ một vài tháng nhưng một năm nữa, người vay sẽ có thể bị phát mại tài sản”.

TS.Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đã bình luận như vậy khi nói về chính sách kích cầu lãi suất cho vay bất động sản hiện nay.

Người tiêu dùng cẩn trọng với những chiêu bài vay vốn lãi suất thấp (ảnh minh họa).
Người tiêu dùng cẩn trọng với những "chiêu bài" vay vốn lãi suất thấp (ảnh minh họa).

Cần tính đến khả năng thả nổi lãi suất

Theo TS. Nguyễn Đình Ánh, trong bối cảnh hàng tồn kho của doanh nghiệp lớn, nợ xấu ngân hàng tăng cao, nhưng vì sao lãi suất huy động/cho vay cùng một mức và lãi suất cho vay bất động sản chỉ 0%. “Cần đưa thông điệp rõ ràng cho người tiếp cận vốn vay bất động sản rằng ưu đãi là có thời hạn trong khi bản chất đầu tư bất động sản là dài hạn. Khi quyết định đầu tư, lãi suất ưu đãi chỉ một vài tháng nhưng một năm nữa, người vay sẽ phải đối mặt với khả năng bị phát mãi tài sản”, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Với thực tế đó, theo phân tích của TS.Ánh, thì ngân hàng đang gài bẫy người tiêu dùng. Bất động sản chính là hàng tồn kho của ngân hàng, vì tài sản thế chấp của ngân hàng chủ yếu là bất động sản. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 20/4, quy mô tồn kho của bất động sản khoảng 158.000 tỷ đồng, còn theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia là 350.000 tỷ đồng. Do đó, để lý vấn đề, các bộ ngành và các bên liên quan phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ, không thể đẩy sang người tiêu dùng bằng giải pháp cho vay giá thấp để mua hàng tồn kho.

“Nhà điều hành cần phải chỉ cho người tiêu dùng về khả năng trả nợ của họ trong tương lai, vì cách làm này thực tế là chuyển gánh nặng trả nợ từ doanh nghiệp sang người tiêu dùng”, ông Ánh khuyến nghị.

Tại cuộc tọa đàm về chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 16/8, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, lấy lãi suất 15% làm mốc thì biên độ giữa lãi suất huy động và cho vay chênh lệch 6%. Trong 6% này, ngân hàng thương mại không “ăn cả” mà biên độ lợi nhuận thực chỉ ở mức 2,5% - 3% vì còn phải trích lập 3% dự trữ bắt buộc (cứ 100 đồng tiền gửi thì phải dự trữ 3 đồng không hưởng lãi), 10% dự phòng thanh khoản (100 đồng lấy ra phải giữ lại 10 đồng trong két)…

Theo tính toán này thì mức lợi nhuận trên chưa đủ để ngân hàng “sống khỏe” vì nợ xấu đã lên rất cao. Bởi lợi nhuận mỗi khoản cho vay là 2% nên khi phát sinh một món nợ mất vốn, ngân hang phải lấy lợi nhuận của 50 món nợ mới gánh cho nợ cũ mới đủ bù đắp 100%. Với trào lưu giảm lãi suất cho vay tối đa xuống 15%, nếu hạch toán sòng phẳng thì đến cuối năm nay sẽ có nhiều ngân hàng báo cáo tài chính lỗ.

Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, NHNN cần tính đến khả năng thả nổi lãi suất vì chính sách đưa mặt bằng lãi suất cho vay về mức tối đa 15% không đủ cứu doanh nghiệp.

Tăng tín dụng hay tăng chất lượng tín dụng?

Theo TS.Vũ Đình Ánh, việc Ngân hàng Nhà nước tách bạch khoản vay cũ và mới là một cách ứng xử rất phù hợp của chính sách lãi suất, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đang hoạt động tốt. Nhưng mục tiêu thực sự của việc giảm lãi suất là gì khi doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, hàng tồn kho cao nên không phát sinh nhu cầu vốn?

Theo ông Ánh, thực tế quy mô tín dụng của Việt Nam đang rất cao, khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, tính đến 30/4/2012 là trên 100% GDP. Riêng năm 2012, mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 8 - 10%, tương đương 260.000 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ. Nhất là trong bối cảnh một số ngân hàng vừa được NHNN điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng lên 25 - 30% với mục tiêu cải thiện tăng trưởng tín dụng.

“Nhưng tăng tín dụng để làm gì? Vì sự thật đã xưa rồi cái thời cứ tăng trưởng tín dụng thì mới tăng trưởng GDP. Bây giờ câu chuyện là chất lượng tín dụng, vì vậy, việc tăng trưởng tín dụng nằm trong mục tiêu của từng ngân hàng”, ông Ánh thẳng thắn nói.

Cũng theo TS.Nguyễn Đình Ánh, vấn đề mấu chốt hiện nay là chỉ số hàng tồn kho cao, nhưng chưa có một con số thống kê cụ thể lượng tồn kho chiếm quy mô bao nhiêu so với nền kinh tế. Vậy nhưng, trong câu chuyện này, dường như NHNN đang đơn độc trong việc gỡ khó cho doanh nghiệp và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành khác. Bởi khi liệt kê những khó khăn, thị trường chỉ nói đến những khó khăn về vốn, nợ xấu, lãi suất. Cùng với nợ xấu đang tăng cao, hàng tồn kho lớn, tăng trưởng tín dụng thấp như thời giai qua là điều dễ hiểu. Do đó, các bộ ngành hiện nay cần đặt vấn đề giải quyết hàng tồn kho, chứ không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm