VASEP: Thận trọng khi giao thương với thương lái Trung Quốc
(Dân trí) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu chưa qua chế biến đưa qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc khiến nhiều DN Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với các đối tác.
Theo nhận định của VASEP, trong những năm tới Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam, tuy nhiên, đây cũng là thị trường có nhiều biến động và cần thận trọng trong quá trình giao thương.
Hiệp hội này cho biết, Trung Quốc đã vươn từ vị trí là thị trường nhập khẩu (NK) thủy sản lớn thứ 6 của Việt Nam từ năm 2009, lên vị trí thứ 4, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và EU, vào năm 2013.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Năm 2013 xuất khẩu (XK) thủy sản của nước ta sang Trung Quốc đạt tăng trưởng khả quan trên 36,6% với trị giá 572,7 triệu USD. Cũng trong năm 2013, Trung Quốc đứng thứ 4 về NK tôm từ Việt Nam với trên 381,1 triệu USD, tăng 49,1%, chưa kể đến việc thương lái Trung Quốc thu gom tôm nguyên liệu qua đường tiểu ngạch, kể cả tôm có bơm chích tạp chất, gây xáo trộn thị trường tôm nguyên liệu trong nước, ảnh hưởng đến chất lượng tôm của Việt Nam.
Trung Quốc cũng là thị trường lớn thứ 5 về tiêu thụ mực, bạch tuộc của Việt Nam, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và ASEAN. Tuy nhiên, giá trị XK không cao chỉ chiếm chưa đến 6% tổng giá trị XK mực, bạch tuộc của Việt Nam.
“Trung Quốc là một thị trường lớn và tiềm năng cho XK thủy sản Việt nam. Kinh tế Trung quốc đang trên đà tăng trưởng mạnh. Nhu cầu về thủy sản của Trung Quốc tăng cao với chất lượng từ thấp lên đến cao,” VASEP nhận định.
Tuy là thị trường xuất khẩu quan trọng của thủy sản nước ta nhưng các mặt hàng thủy sản của Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc từ năm 2000 đến nay đã có nhiều sự biến động theo các giai đoạn khác nhau. Nếu như trong giai đoạn đầu từ năm 2000 đến năm 2008, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là hải sản các loại, các sản phẩm khô, cá ngừ, cá tra, cá basa, mực và bạch tuộc… thì từ năm 2009, các sản phẩm thủy sản XK sang thị trường này của Việt Nam đã có sự đa dạng hơn về chủng loại. Trong đó, tỷ trọng mặt hàng khô giảm xuống thay vào đó là tỷ trọng mặt hàng tôm, nhuyễn thể, cua ghẹ, giáp xác tăng lên.
Hiệp hội này cũng cảnh báo nhiều khó khăn và rủi ro tiềm ẩn khi giao thương buôn bán với Trung Quốc do các thương lái nước này có thói quen hay mặc cả nhiều lần, chính sách ngoại tệ chặt chẽ, những quy định mới về đăng ký thông tin với hàng thủy nhập khẩu, …
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại thiếu thông tin về xu hướng và sự biến động của thị trường, XK chủ yếu dạng nguyên liệu thô, giá trị không cao. Đặc biệt tình trạng thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu, chủ yếu là là tôm và mực, bạch tuộc chưa qua chế biến đưa qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với các đối tác.
“Việc ồ ạt thu mua tôm nguyên liệu XK cũng có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu XK, xuất thô nguyên liệu ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển ngành và hiệu quả đầu tư. Khi thương lái mua theo hình thức trên, vấn đề chất lượng, đặc biệt kháng sinh và tạp chất trong tôm có nguy cơ không kiểm soát được, ảnh hưởng đến hình ảnh tôm của Việt Nam,” hiệp hội này nhận định.