Vào WTO: Không được cả, không mất hết
Dự kiến, chiều 31/5, tại dinh Thống Nhất (TPHCM) sẽ diễn ra lễ ký chính thức kết thúc đàm phán song phương Việt - Mỹ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ), người tham gia hầu hết các cuộc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, cho rằng trong đàm phán thương mại không có chuyện bên được cả và bên mất hết mà là “win-win” (cùng có lợi). Bên lề Hội nghị các quan chức cao cấp lần 2 của APEC (SOM II), trao đổi với báo giới, ông nói:
Hôm nay, đại diện thương mại Mỹ đến TPHCM
Hai phó đại diện thương mại Mỹ Karan Bhatia và Susan Schwab sẽ tới TPHCM vào tối nay 30/5 nhằm tham dự lễ ký chính thức kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Dự kiến bà Susan Schwab sẽ tham dự lễ ký với tư cách là người chứng kiến cùng với Phó thủ tướng Vũ Khoan.
Người cùng Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đặt bút ký vào bản thỏa thuận lịch sử này sẽ là phó đại diện Karan Bhatia. |
Điều cần làm hiện nay là các bộ, ngành, doanh nghiệp phải hiểu rõ các cam kết của Việt Nam với các nước trong các đàm phán vừa qua. Những nội dung này vừa qua phổ biến còn quá ít. Cần mở ngay các lớp tập huấn để mọi đối tượng có thể hiểu, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào thì phải nắm chắc lĩnh vực đó.
Trong WTO có rất nhiều nhóm nước, ngoài nhóm nước công nghiệp phát triển, những nước đang phát triển cũng thành lập một số nhóm, như nhóm 33 nước, nhóm xuất khẩu hàng nông nghiệp... Chúng ta phải cân nhắc để xem tham gia nhóm nước nào để đạt được lợi ích tốt nhất.
Trên cơ sở các cam kết song phương đã ký với các nước, theo ông, những lĩnh vực, nhóm hàng nào của Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi gia nhập WTO?
Đã vào WTO tức là chấp nhận chen chân vào cuộc chơi có rất nhiều đối thủ buộc chúng ta phải cạnh tranh. Vừa qua, một số mặt hàng của Việt Nam bị rơi vào kiện tụng chống bán phá giá, theo tôi, tới đây sẽ còn diễn ra nhiều hơn.
Do vậy, sau này chúng ta cần có một đội ngũ luật sư kinh tế, theo dõi các đàm phán thương mại để hiểu kỹ các vấn đề kỹ thuật như: giải quyết tranh chấp, luật chống phá giá...
Với doanh nghiệp có thế mạnh phải nhanh chóng trang bị những kiến thức cơ bản để tránh lặp lại những trường hợp đáng tiếc. Doanh nghiệp khi thâm nhập một thị trường nào đó phải nghiên cứu xem tỉ lệ hàng của các nước vào thị trường đó như thế nào, chất lượng, mẫu mã ra sao... từ đó xây dựng kế hoạch chiếm lĩnh thị trường cho riêng mình một cách rõ ràng.
Khi vào WTO, theo ông, lĩnh vực nào Việt Nam phải thực hiện ngay và lĩnh vực nào sẽ mở cửa có lộ trình?
Trong dịch vụ sẽ bao gồm lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bưu chính viễn thông... sẽ phải mở cửa cho nước ngoài tham gia. Trong các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thì có giày dép, dệt may...
Về nông nghiệp, mặt hàng cà phê của chúng ta dù có thương hiệu rất lớn, nhưng khi vào WTO sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất lớn, nếu không nói cực kỳ khốc liệt, đặc biệt là từ các nước châu Mỹ Latin. Đối với thị trường trong nước, nhiều mặt hàng giảm thuế rất lớn, chắc chắn sẽ gây khó khăn không ít.
Chúng ta đã nhượng bộ rất lớn trong việc mở cửa thị trường thịt bò, ông có xác nhận điều này?
Theo thỏa thuận, chúng ta phải giảm thuế và mở rộng chủng loại, vì vậy có thể ảnh hưởng đến những nhà sản xuất thịt bò trong nước. Theo tôi, trong đàm phán thương mại thì không có chuyện bên được cả và bên mất hết mà thường là “win - win”, tức là đôi bên cùng có lợi. Do đó, có thể nói kết quả đàm phán với Mỹ, chúng ta được hết cũng không đúng mà mất hết cũng chẳng phải.
Ông dự báo như thế nào về bức tranh toàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam sau năm năm hội nhập vào WTO?
Nếu đưa ra một dự báo ngắn hạn sau 3- 4 năm, tôi nghĩ đây là giai đoạn rất khó cho Việt Nam về tất cả các mặt. Hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh, thậm chí có trường hợp phải “hi sinh” do hàng nước ngoài có giá rẻ hơn. Nhưng bài học Trung Quốc cũng đáng để chúng ta suy nghĩ.
Trung Quốc sau khi gia nhập WTO vài năm cũng đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ phải phá sản, 16 triệu công nhân thất nghiệp. Nhưng bây giờ thì họ mạnh lên rất nhiều. doanh nghiệp của Việt Nam có vươn lên được như doanh nghiệp Trung Quốc hay không, tôi nghĩ tùy thuộc sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp, các ngành, cấp chính quyền.
Bạn bè quốc tế gặp tôi thường nói khi gặp khó khăn thì người Việt Nam rất dễ vươn lên và tự điều chỉnh để thích nghi. Do đó, thời gian đầu theo tôi sẽ rất gay go, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ và những doanh nghiệp thời gian qua dựa vào bao cấp của Nhà nước để tồn tại.
Còn dự báo về trung hạn và dài hạn thì tôi nghĩ rất có lợi cho Việt Nam và việc Việt Nam vào WTO là một bước ngoặt rất lớn trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam.
Xin ông cho biết công tác vận động Quốc hội Mỹ cấp qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam hiện nay đã được chuẩn bị như thế nào?
Từ đầu năm đến nay có nhiều đoàn của Quốc hội Mỹ sang Việt Nam, đặc biệt là đoàn của ông chủ tịch Hạ viện Mỹ. Phía Việt Nam có đoàn do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu dẫn đầu sang thăm Mỹ đã đạt được rất nhiều kết quả tốt.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang chuẩn bị rất nhiều kênh, sắp tới sẽ có những đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm Mỹ.
Trong tháng sáu và bảy, sẽ có nhiều hoạt động dồn dập, bởi vì dù muốn gì đi chăng nữa thì qui chế này phải thông qua trước mùa hè. Hiện nay thông tin mà tôi có được từ phía các bạn Mỹ đều diễn biến theo chiều hướng rất thuận lợi cho Việt Nam.
Theo Xuân Toàn
Báo Tuổi trẻ