Vàng tăng giá: Lo xuất lậu
Giá thế giới phi mã, trong nước cũng cố gắng bám theo, song vẫn thấp hơn mặt bằng quốc tế 20.000 đồng/chỉ. Trong lúc Ngân hàng Nhà nước chưa cho xuất khẩu chính thức, giới kinh doanh bắt đầu lo ngại vàng sẽ chảy máu ra ngoài qua đường tiểu ngạch.
Giá trong nước thấp hơn thế giới, mãi lực nội địa không cao là lý do khiến các doanh nghiệp ngành vàng thời gian qua liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho xuất khẩu vàng. Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu sẽ tạo điều kiện cân đối cung cầu và làm thông thoáng hơn thị trường.
Nếu được chấp thuận, khi giá nội địa thấp hơn quốc tế, doanh nghiệp sẽ xuất vàng đi và tự động ngừng lại nếu giá đạt mức cân bằng. Đó là chưa kể việc xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu ngoại tệ, qua đó tự cân đối và chủ động về ngoại tệ mặt để nhập vàng khi cần.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là một trong những doanh nghiệp khá sốt sắng với chuyện này. Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quí Sài Gòn (SJC) cho biết, SJC đã từng đề xuất ý kiến lên Ngân hàng Nhà nước về việc cho xuất khẩu vàng chính ngạch nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận bởi cơ quan quản lý nhà nước lo trong bối cảnh chỉ số giá đang tăng cao sẽ tác động không tốt đến tâm lý người dân.
Ngân hàng Nhà nước cũng e ngại nếu cho xuất khẩu, nhiều người sẽ đổ xô đi vào việc kinh doanh mua đi bán lại vàng. Ngoài ra nếu không quản lý tốt có thể dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng để chờ thời hoặc đầu cơ đẩy giá lên.
Trong lúc con đường chính ngạch chưa mở, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính lại canh cánh nỗi lo vàng chảy máu qua biên giới qua con đường xuất lậu. "Tính bình quân, giá bán trong nước thấp hơn giá thế giới khoảng tới 20.000 đồng/chỉ. Như vậy, khó có thể ngăn chặn được tình trạng xuất lậu vàng sang biên giới", ông Long nói.
Theo ông Long, lâu nay người dân có thói quen dùng vàng miếng SJC làm phương tiện thanh toán và xu hướng này đang có dấu hiệu tăng nhanh, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới giáp với VN. Việc kiểm soát xuất lậu vàng rất khó khăn.
Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Nguyễn Thị Cúc chia sẻ nỗi lo lắng này khi cho rằng nếu các khu buôn bán ở biên giới chấp nhận thanh toán hàng hoá bằng vàng miếng SJC cùng với một số nhãn hiệu khác, chắc chắc phát sinh tình trạng xuất lậu mặt hàng kim loại quý hiếm này.
Có bạn bè ở một số tỉnh vùng biên, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Ngân hàng Nông nghiệp Nguyễn Thế Lựu cũng từng nghe nói về chuyện người dân hai bên biên giới trao đổi hàng hoá và thanh toán bằng vàng. Vì ông Lựu khẳng định có nguy cơ chảy máu vàng qua biên giới đặc biệt trong bối cảnh giá nội địa thấp hơn thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Lựu, nếu tình trạng đó xảy ra, lượng vàng xuất lậu cũng không nhiều, bởi mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế hiện không quá lớn.
Ngân hàng Nhà nước đã giảm thuế nhập khẩu vàng xuống còn 0,5% nhưng doanh nghiệp vẫn không dám nhập thêm, vì giá thế giới tăng cao. Tình hình giao dịch trong nước bắt đầu biến chuyển, lượng mua buôn không tăng song khách mua lẻ tăng dần.
Theo giới kinh doanh, có thể thời gian tới giá mặt hàng kim loại này sẽ tiếp tục leo thang, song tăng đến đâu thì không ai đoán trước được.
Theo Tuổi trẻ/VnExpress