Vận tải “khóc mếu” vì vừa giảm cước, xăng lại tăng giá

Vừa bị sức ép dư luận nên phải giảm cước, các doanh nghiệp vận tải lại đang “khóc dở mếu dở” vì giá xăng lại tăng lên.

“Người dân khổ vì giá xăng dầu tăng lên thì các doanh nghiệp chúng tôi còn khổ sở hơn. Vừa điều chỉnh giảm giá cước thì giá xăng tăng 600 đồng/lít, chúng tôi không thể chạy theo giá xăng, thôi đành giữ giá cước thấp hiện tại thêm một thời gian nữa” - một doanh nghiệp vận tải than thở sau khi giá xăng tăng lên hôm 18/9.

Vận tải “khóc mếu” vì vừa giảm cước, xăng lại tăng giá - 1

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc hãng taxi Ba Sao cho biết, doanh nghiệp taxi mỗi lần điều chỉnh giá cước rất phức tạp, ngoài thủ tục đăng ký, mỗi xe mất phí khoảng 1 triệu đồng cho một lần điều chỉnh giá.

“Do tốn kém và mất thời gian nên chúng tôi phải tính toán và có lộ trình điều chỉnh, không thể xăng giảm là điều chỉnh giảm ngay cũng như xăng tăng như hôm qua là điều chỉnh tăng được. Xăng cứ lên xuống thế này, không giảm thì người dân kêu doanh nghiệp chây ì, không giảm cước. Giá xăng tăng chúng tôi phải “bấm bụng” để chưa tăng giá cước thì người tiêu dùng cũng không biết cho” - ông Huy trần tình.

Theo ông Huy, hãng taxi này mới điều chỉnh giảm cước vận tải 8% ngày 17/8 và trước mức tăng 600 đồng/lít xăng ở thời điểm hiện tại thì doanh nghiệp đành tiết giảm chi phí để giữ giá cước ở mức đã điều chỉnh này.

Theo các doanh nghiệp vận tải, thị trường vận tải hiện cạnh tranh rất khốc liệt. Việc tăng, giảm giá xăng là một yếu tố quan trọng trong điều chỉnh giá thành vận tải, tuy nhiên doanh nghiệp hầu hết phải cân đối giá thị trường, không thể nói tăng là tăng và giảm là giảm ngay được. Mức tăng 600 đồng/lít xăng lần này, nhiều doanh nghiệp cho biết, sẽ vẫn giữ mức giảm 3-6% giá cước, dao động 10.500 - 11.000 đồng/km.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – ông Bùi Danh Liên cho rằng, giá xăng dầu chiếm 30-40% trong giá cước của doanh nghiệp vận tải. Nhưng ngoài xăng dầu, còn nhiều yếu tố khác tác động tới ngành vận tải, bởi vậy doanh nghiệp vận tải khá thận trọng khi điều chỉnh tăng giảm giá cước sau biến động của giá xăng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, từ thời điểm đầu tháng 7 đến ngày 11.9 (thời điểm giá nhiên liệu liên tục giảm) đã có 39/89 đơn vị taxi (chiếm 44%) kê khai giảm giá cước từ 4% - 10,2%. Cùng với đó, đã có 11/61 đơn vị vận tải tuyến cố định (chiếm 18%) kê khai giảm giá cước từ 1,82% - 11,12%. Riêng có 2 đơn vị vận chuyển hàng container đã ký cam kết giảm giá cước từ 6% - 8%. Giá xăng tăng hơn 600 đồng lít hôm qua vẫn chưa có tác động lớn để doanh nghiệp vận tải phải thay đổi mức cước đã giảm này.

Theo Mai Hương
Dân Việt

Vận tải “khóc mếu” vì vừa giảm cước, xăng lại tăng giá - 2