Vận hành chính thức Thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Vẫn còn vướng mắc
(Dân trí) - Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, thị trường bán buôn điện cạnh tranh - VWEM (cấp độ thứ 2 của thị trường điện) sẽ được vận hành chính thức. Tuy nhiên, thực tế các đơn vị tham gia VWEM vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, cần sớm được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ giải quyết.
Theo đánh giá của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), sau hơn 1 năm thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các tổng công ty điện lực đã nâng cao được kiến thức và năng lực dự báo phụ tải, sai số phụ tải được cải thiện. Đến nay, đã có 99% (633/639) số điểm đo thuộc phạm vi ranh giới được thu thập trực tiếp từ xa gửi về A0. Chất lượng số liệu đo đếm từng bước cải thiện, công tác công bố, đối chiếu, rà soát, xác nhận số liệu đo đếm dần dần đi vào khuôn khổ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, vận hành thị trường điện cũng phát sinh một số khó khăn như: Hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống điện - thị trường điện còn hạn chế; các nhà máy thủy điện chiếm sản lượng lớn, trong khi tình hình thủy văn thường bất định, khó dự báo.
Ngoài ra, việc xác nhận số liệu đo đếm của các tổng công ty điện lực cần thêm thời gian vì phạm vi, số lượng số liệu đo đếm rất lớn. Việc xác nhận sản lượng của các nhà máy vùng sâu, vùng xa chậm do thu thập số liệu trực tiếp khó khăn dẫn đến xác nhận các bảng kê ngày thường chậm đến 2-3 ngày so với thời gian biểu quy định…
EVNNPC mong muốn Bộ Công Thương xem xét bổ sung thêm cách tính giá, hạn chế bớt rủi ro cho EVNNPC khi tham gia thị trường điện. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần sớm ban hành thông tư vận hành VWEM trong năm 2018 để tạo thuận lợi cho các đơn vị triển khai thực hiện trong năm 2019…Ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết: Hiện nay, sản lượng mua điện trên thị trường của Tổng công ty chỉ là 4,42% và dự kiến năm 2019 sẽ tăng lên 12%/tổng sản lượng điện mua vào. Nếu không có cơ chế bù chéo cho phần sản lượng điện mua trên thị trường này thì Tổng công ty sẽ bị lỗ nhiều hơn các tổng công ty khác do đặc thù quản lý nhiều tỉnh miền núi, chi phí điện năng cao, nhưng giá bán bình quân thấp.
Trước những vướng mắc và kiến nghị trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, Cục đang hoàn thiện dự thảo thông tư vận hành VWEM trình Bộ Công Thương phê duyệt. Đối với khó khăn về cơ chế bù chéo, Bộ Công Thương sẽ tính toán kỹ phương án để các đơn vị, nhất là 3 tổng công ty điện lực miền có thể cân đối tài chính. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước, EVN và các đơn vị rất rốt ráo, nghiêm túc thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc, nhưng những khó khăn vẫn có thể tiếp tục phát sinh trong thời gian đầu vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh.