Đại gia Việt trong tuần:

Vận đen siêu xe Rolls-Royce; đại gia Việt kẻ khóc người cười

Mai Chi

(Dân trí) - Việc siêu xe Rolls-Royce của đại gia Trịnh Văn Quyết bị BIDV thông báo thu hồi để xử lý nợ đang "dậy sóng" tuần qua. Cũng trong tuần, giữa lúc Tân Tạo liên tục "gặp hạn" thì bầu Đức lại nhận tin vui.

Siêu xe Rolls-Royce của đại gia Trịnh Văn Quyết bị ngân hàng thu giữ, cấn nợ

Thông tin Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Quy Nhơn (BIDV Quy Nhơn) thông báo thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) để xử lý nợ đang gây chú ý với công chúng.

Tài sản này là ô tô con 5 chỗ hiệu Rolls-Royce, biển số 30F-187.88 được đăng ký hồi giữa năm 2018. Siêu xe được sản xuất tại Anh năm 2011, được biết đến là của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT FLC Faros, đồng thời là cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Địa điểm thu giữ tài sản là tại tòa văn phòng Bamboo Airways của FLC ở 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, Hà Nội.

Vận đen siêu xe Rolls-Royce; đại gia Việt kẻ khóc người cười - 1

Cổ phiếu ROS đã bị hủy niêm yết trên HoSE (Ảnh minh họa: FLC Faros).

BIDV Quy Nhơn cho biết sẽ xử lý, bán đấu giá công khai nhằm thu hồi nợ, hoặc thu giữ đến khi FLC Faros hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vay.

Việc thu giữ tài sản siêu xe của ông Trịnh Văn Quyết diễn ra trong bối cảnh FLC Faros phát sinh nợ quá hạn từ ngày 21/2/2022 tại BIDV Quy Nhơn với tổng số tiền gốc, lãi và phí phạt phát sinh đến ngày 9/8 gần 186 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc là 177 tỷ đồng còn lãi và phí chậm trả là 8,8 tỷ đồng.

BIDV khẳng định rằng đã nhiều lần thông báo nợ quá hạn nhưng FLC Faros và bên bảo đảm khoản vay là Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes vẫn không tự nguyện trả nợ ngân hàng.

Tuần biến động của cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC

Từ ngày 9/9, cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và cổ phiếu HAI của Công ty cổ phần Nông dược H.A.I đã chính thức bị đình chỉ giao dịch do tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Trước đó, FLC và HAI bị hạn chế giao dịch vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Sau khi yêu cầu giải trình, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã nhận được văn bản giải trình của 2 doanh nghiệp trên về lộ trình khắc phục vi phạm công bố thông tin, trong đó, hai công ty đưa ra thời gian dự kiến để tìm đơn vị kiểm toán cho báo cáo tài chính năm 2021 và dự kiến tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 để thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán và soát xét cho báo cáo tài chính năm 2022.

Theo đánh giá của HoSE, cả FLC và Nông dược H.A.I không có khả năng công bố thông tin báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 đúng hạn (29/8) nên việc này được xem là hành vi tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin dù cổ phiếu đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Một cổ phiếu khác trong hệ sinh thái FLC là ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros đã bị hủy niêm yết trên HoSE từ ngày 5/9 vừa qua.

Rất bất ngờ, sau chuỗi ngày "lau sàn", diễn biến tiêu cực, cổ phiếu "họ FLC" lại đồng loạt tăng trần trước ngày FLC và HAI bị đình chỉ. Ngày 8/9, FLC, HAI, KLF, ART, AMD đều khoác sắc tím trên bảng điện tử, hầu hết trắng bên bán.

Tân Tạo liên tục "gặp hạn" sau vụ "ghi nhầm" tạm ứng 1.900 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến

Lần đầu phát hành báo cáo tài chính quý II/2022, Tân Tạo có lẽ không thể lường trước được sẽ gặp sóng gió lớn với một thông tin "hé" ra từ phần thuyết minh của bản báo cáo này: chi tạm ứng hơn 1.900 tỷ đồng cho Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến (Maya Dangelas) để tham gia dự án tại Mỹ.

Chỉ vài ngày sau, công ty lại đính chính số liệu trên báo cáo tài chính, cho biết đã "hạch toán sai". Trong bản báo cáo sau đó, Tân Tạo cho biết khoản phải thu với bà Yến chỉ là hơn 600 tỷ đồng. Theo nội dung thuyết minh, nghiệp vụ này được thực hiện theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông về việc phê duyệt hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho bà Yến chứ không liên quan việc đầu tư dự án tại Mỹ.

Mặc dù vậy, cùng với cú "quay xe" gay cấn trên, doanh nghiệp này đã vướng không ít rắc rối.

Được biết, Tổng cục Thuế mới đây đã yêu cầu Cục Thuế TPHCM thực hiện rà soát công tác quản lý thuế đối với Tân Tạo, trong đó, tập trung rà soát số liệu kê khai thuế của công ty với số liệu công ty công bố trên thị trường chứng khoán. Tổng cục Thuế yêu cầu phải kiểm tra xác minh số tiền mà công ty đã tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm (nếu có) và tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế TPHCM được cần lưu ý phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là ngân hàng để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng, giao dịch đáng ngờ. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm thì củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an đề nghị truy tố theo quy định của pháp luật.

Mới đây nhất, Ernst & Young Việt Nam bất ngờ thông báo sẽ không tiếp tục tái ký hợp đồng dịch vụ kiểm toán với Tân Tạo ngay sau khi hết hợp đồng mà không gửi thông báo trước.

Vì sự từ chối bất ngờ trên nên Tân Tạo đã phải tìm đơn vị kiểm toán khác thay thế trong thời gian gấp gáp. Ngày 25/7, doanh nghiệp đã ký được hợp đồng kiểm toán với Công ty TNHH DV Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán phía Nam (AASCS).

Tuy nhiên, theo Tân Tạo, vì thời gian quá gấp, khối lượng công việc quá nhiều nên công ty vẫn chưa thể hoàn thành báo cáo tài chính soát xét bán niên đúng thời hạn công bố, thêm vào đó, dịp nghỉ lễ 2/9 kéo dài nên ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian hoàn thành.

Việc chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên quá 15 ngày so với thời hạn quy định đang khiến cổ phiếu ITA của Tân Tạo đứng trước nguy cơ bị HoSE chuyển sang kiểm soát.

Bầu Đức nhận tin vui

MV Index Solutions (MVIS) đã chính thức công bố kết quả cơ cấu danh mục quý III của chỉ số MVIS Vietnam Index - chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF). Theo đó, ở kỳ cơ cấu này có một cổ phiếu Việt Nam được thêm vào danh mục của chỉ số MVIS Vietnam Index là HAG của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Trái lại, cổ phiếu APH của Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings và CEO của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O bị loại khỏi danh mục.

Cổ phiếu HAG hiện có thị giá 12.400 đồng (đóng cửa phiên 9/9) và đạt đà tăng mạnh trên 51% trong vòng 3 tháng qua.

(tổng hợp)