1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vẫn còn nhiều vấn đề về nhà máy điện hạt nhân

(Dân trí) - Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đang được Hội đồng thẩm định cấp nhà nước xem xét trình Quốc hội. Đến thời điểm này, nhiều vấn đề liên quan đến công nghệ, chôn chất thải phóng xạ, tài chính… vẫn là mối quan tâm của dư luận.

Vẫn còn nhiều vấn đề về nhà máy điện hạt nhân - 1
Một nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.
 
Bao nhiêu % cơ hội cho Nhật?

Bên lề hội thảo hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực điện hạt nhân, ông Tạ Văn Hường - Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết:

Việt Nam sẽ từ nước xuất khẩu năng lượng trở thành nước nhập khẩu năng lượng điện. Có nghĩa trong tương lai chúng ta sẽ thiếu năng lượng và một trong những phương án khả thi và đảm bảo tính kinh tế nhất chính là phát triển năng lượng hạt nhân vào mà thực chất là nhập khẩu năng lượng.

Nếu chúng ta không đi theo con đường này thì nguy cơ thiếu năng lượng nói chung ở nước ta sẽ vẫn còn chưa có cách giải quyết.

Hiện nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân với công nghệ cao như Mỹ, Pháp, Nhật… Đánh giá của ông về công nghệ của những nước đó trong việc ứng dụng vào Việt Nam?

Trong báo cáo đầu tư trình Chính phủ vừa rồi, các chuyên gia đã đề xuất sẽ chọn 1 trong 2 loại công nghệ là: lò nước áp lực hoặc lò nước sôi và cả hai đều là lò nước nhẹ. Lò nước nhẹ thì trên thế giới được áp dụng nhiều (chiếm đến 70% trong số những nhà máy điện hạt nhân) nên có thể tin cậy được.

Nhật cũng là một trong những nước phát triển về công nghệ lò nước sôi có độ an toàn cao nên sẽ là một trong những nước tiềm năng trong việc nhập khẩu công nghệ.

Theo ông, khả năng chúng ta sẽ được áp dụng công nghệ của Nhật là bao nhiêu phần trăm?

Vẫn còn nhiều vấn đề về nhà máy điện hạt nhân - 2

Ông Tạ Văn Hường.

Rất khó để nói được điều này nhưng khi nhập công nghệ của bất cứ một nước nào, ngoài những chuyên môn về năng lượng, nó còn bao gồm cả các yếu tố về quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội của hai đất nước.

Với dự án điện hạt nhân, không chỉ kỳ vọng về công nghệ, chúng tôi còn kỳ vọng cả Nhật Bản sẽ giúp đỡ Việt Nam trong việc thu xếp tài chính trong dự án đầu tiên này, mà khả năng hợp tác này đối với Nhật cũng rất lớn. Vì thế, tôi đánh giá tiềm năng với Nhật cho dự án đầu tiên là rất lớn.

Vậy khi nào thì mới có quyết định chính thức về đơn vị cung cấp công nghệ cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận?

Sau khi thông qua Quốc hội, phê duyệt dự án đầu tư thì nhóm tư vấn mới bắt đầu nghiên cứu và đề xuất xem hợp tác công nghệ với nước nào, lúc đó mới có câu trả lời.

Chôn chất thải phóng xạ vẫn là một vấn đề lớn

Xin ông cho biết lý do chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận?

Hai địa điểm được lựa chọn đầu tiên triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã được chúng tôi nghiên cứu kỹ. Đó là khu vực miền Trung có điều kiện thuận lợi về mặt địa chất.

Thứ hai, đất khô cằn, phân bố dân cư ở đó cũng thấp cho nên việc GPMB cũng như huy động đất đai cho xây dựng công nghiệp dễ dàng hơn nhiều nơi khác.

Bên cạnh đó, những điều kiện như: động đất, núi lửa, về cung cấp nước cũng đạt được yêu cầu. Do chúng ta sẽ phát triển nhiều dự án điện hạt nhân nên các tỉnh khác cũng sẽ được nghiên cứu.

Chôn chất thải phóng xạ là vấn đề dư luận lo ngại. Trong quy hoạch, điều này đã được xem xét như thế nào, thưa ông?

Chôn chất thải phóng xạ có hai dạng: chôn tạm thời và chôn vĩnh cửu. Đề án chôn vĩnh cửu đã giao cho Bộ KHCN nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thực chất đây là một đề án lớn của liên khu vực nên một mình chúng ta làm chắc không nổi, trên thế giới cũng chưa có đề án chôn vĩnh viễn. Nhưng trong dự án nhà máy điện hạt nhân của chúng ta trong hàng chục năm đầu tiên, ta có thể chôn tạm thời ngay trong nhà máy.

Liệu có khả năng xảy ra những vấn đề liên quan tới môi trường, nguồn nước?

Việc đảm bảo an toàn về môi trường là vấn đề lớn nhất khi thực hiện chôn chất thải phóng xạ. Nhưng với công nghệ hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được sự rò rỉ về phóng xạ cả chỗ nhà máy và nơi chôn cất. Vì thế theo tôi đánh giá là rất an toàn.

Xin cám ơn ông!
 

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ định EVN làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Dự án nằm tại 2 xã (Phước Dinh và Vĩnh Hải) thuộc tỉnh Ninh Thuận với 4 tổ máy công suất mỗi tổ là 1000MW.

Thời điểm vận hành thương mại dự kiến từ 2020 - 2022.

Đời sống dự án: 60 năm. Thời gian xây dựng: khoảng 6 năm/1 tổ máy.

Tiêu thu nhiên liệu hàng năm cho tổmáy 1.000MW khoảng 30 tấn với độ làm giàu lên tới khoảng 4%.

Suất đầu tư: khoảng 3.800 USD/kW (sau thuế).

Thực tế từ Nhật, giá điện từ nguồn điện hạt nhân thấp hơn so với các nguồn điện từ than đá, dầu lừa, thuỷ điện, năng lượng gió.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm