Vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp đang bị xem nhẹ

(Dân trí) - Đó là ý kiến của nhiều đại biểu trong buổi toạ đàm "Nâng cao vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng pháp luật và đối thoại chính sách” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (GTZ) tổ chức vừa diễn ra sáng nay (2/11) tại Hà Nội.

Buổi toạ đàm có đông đủ đại diện cho các Hiệp hội doanh nghiệp quốc gia, Hiệp hội doanh nghiệp địa phương và Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề tại Hà Nội, đại diện các cơ quan Nhà nước có liên quan (Các UB của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ…).

Ngay từ đầu, nhiều đại biểu đã nhận định: hoạt động tham gia xây dựng pháp luật và đối thoại chính sách của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp thời gian qua có những chuyển biến và thành công nhất định. Nhiều Dự án Luật, Pháp lệnh đã có sự tham gia tích cực và chủ động của các hiệp hội doanh nghiệp. Nhiều hiệp hội cũng đã tham gia vào quá trình đối thoại chính sách như tham gia phản biện đối với Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010, chính sách thuế nhập khẩu, chính sách đất đai…

Sự tham gia và chủ động của nhiều hiệp hội đã có những ảnh hưởng nhất định, với nhiều chuyển biến ở một số lĩnh vực: bãi bỏ các giấy phép kinh doanh con, thay đổi trong từng Dự thảo của Luật Đầu tư (chung); thay đổi trực tiếp trong quy định về thủ tục mua bán hóa đơn VAT, các chính sách về độ cao container, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng ngay sau khi những cuộc đối thoại được tổ chức…

Tuy vậy, hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều bất cập, như: Chưa có được vai trò chủ động và tích cực cần thiết; Quá trình đóng góp, phản biện chưa chuyên nghiệp và chưa hiệu quả; Chưa thể hiện được hết tiếng nói đồng thuận của các doanh nghiệp thành viên; Sự liên kết giữa các hiệp hội còn yếu…

Nhiều ý kiến cho rằng: Phía các cơ quan Nhà nước còn chưa chú ý đúng mức tới vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, chưa thực sự minh bạch, công khai và dân chủ trong quá trình xây dựng pháp luật và chính sách.

Ông Vũ Duy Thái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội công thương TP Hà Nội cho rằng: “Hiệp hội vẫn phải là đại diện của doanh nghiệp nhưng phải có cách hoạt động khác, cần phải thay đổi theo hướng: Tự vận động và tư vấn. Hiệp hội cần có các làm chủ động hơn, nỗ lực tự làm hoàn thiện mình để có thể chứng tỏ năng lực của mình”.

Ông Đào Nguyên Phụng - người đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp có vốn Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng: “Đúng là sự đóng góp, tham gia ý kiến hoặc phản biện của các hiệp hội doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp”.

Trong buổi sáng 2/11, hầu hết đại diện các Hiệp hội của nhiều doanh nghiệp, ngành nghề đều thống nhất về tầm quan trọng của hiệp hội trong nền kinh tế hiện nay, đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm của những hiệp hội đã thực hiện tốt công việc này.

Nhiều ý kiến cho rằng, vai trò và tiếng nói của hiệp hội hiện đang bị xem nhẹ. Chỉ cần khoảng 10-15 năm nữa, khi đó con số doanh nghiệp tăng lên rất nhiều so với hiện nay thì vai trò của hiệp hội lúc ấy là không thể thiếu.

Bảo Trung