1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

USD ngày càng kém hấp dẫn

Chiếm 65% tổng giá trị trong kho dự trữ ngoại tệ nhưng 1 năm qua tỉ giá USD chỉ tăng 0,7%, trong khi vàng tăng 30,7%. Mức sinh lời của USD thấp hơn nhiều so với những “công cụ tiết kiệm” khác khiến cho người dân ngày càng có xu hướng “chê” đồng USD.

Giá USD tăng chỉ bằng 2,28% so với vàng

Ngày 6/3/2006 (lúc 11 giờ), tỉ giá bán USD tại Ngân hàng Ngoại thương TPHCM là 15.915 đồng/USD (loại tờ 50 – 100 USD), so với cách đây đúng 1 năm tỉ giá này tăng được 110 đồng, tức là tăng gần 0,7%.

Trong khi đúng ngày này của năm trước, giá vàng SJC trên thị trường TPHCM bán giá 8,34 triệu đồng/lượng, nhưng hôm nay lên đến 10,9 triệu đồng/lượng, tăng 30,7%. Nếu so sánh 2 loại “kim” này trong một năm qua thì tốc độ tăng giá của USD chỉ bằng 2,28% so với mức tăng giá của vàng.

Sau khi giảm mạnh vào tháng 6/1999 (còn 252,8 USD/ounce), đến nay giá vàng lại lên xấp xỉ 570 USD/ounce. Mức giá hiện tại đã cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua, nhưng vẫn chưa bằng đỉnh năm 1980 (trên 800 USD/ounce).

Do nền kinh tế Mỹ bị thâm thủng ngân sách ngày càng lớn, đồng USD có xu hướng giảm giá, nhu cầu về vàng trên thế giới đang tăng cao (trong khi nguồn cung từ khai thác có hạn), nên mỗi khi thế giới có sự cố là giá vàng lại tăng mạnh.

Vì vậy nhiều chuyên gia dự báo, về dài hạn giá vàng có thể tiếp tục tăng, càng làm cho đồng USD ngày càng kém hấp dẫn so với vàng.

Mức sinh lời thấp hơn chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng

Việc cất giữ USD hiện đem lại 2 nguồn lợi, gồm lãi suất và mức tăng tỉ giá. Trong mấy năm qua tỉ giá USD tăng rất thấp, thường từ 0,7% - 0,9%/năm. Còn lãi suất, hiện các ngân hàng mới cho tăng thêm nhưng cũng chỉ đạt mức 4,5%/năm.

Cộng cả 2 nguồn này thì gửi USD kỳ hạn 1 năm mức sinh lời chỉ đạt dưới 5,4%/năm. Mức sinh lời đó so với chỉ số tăng giá hàng hóa tiêu dùng năm 2005 thì vẫn còn thấp hơn 3%. Còn so với lãi suất gửi tiết kiệm bằng VNĐ kỳ hạn 1 năm tại một số ngân hàng cổ phần thì nó thấp hơn 4%.

Vì vậy hiện tại nhiều người dân khi có USD họ thường đổi lấy tiền đồng để gửi tiết kiệm hoặc mua vàng cất giữ. Mới đây, chị Thanh ở quận 7 - TPHCM, nhận 2.000 USD do chồng đi xuất khẩu từ Hàn Quốc gửi về, liền đem đến Ngân hàng TMCP Phương Đông bán lấy VNĐ rồi gửi tiết kiệm. Chị nói: “USD bây giờ kém hấp dẫn nên không muốn giữ lâu dài”.

So với nhiều lĩnh vực đầu tư khác như cổ phiếu, cho thuê nhà... thì mức sinh lời của USD còn thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hình thức đầu tư chỉ thích hợp cho những người năng động, biết tính toán và biết chấp nhận rủi ro.

Vì vậy trên thị trường phần đông những người có nguồn thu USD từ nước ngoài gửi về đều chọn hình thức chuyển đổi sang VNĐ để gửi tiết kiệm. Trong tương lai gần, nguồn cung USD trên thị trường nội địa đang rộng mở.

Mỗi năm kiều hối thu trên 4 tỉ USD/năm, nguồn viện trợ ODA và đầu tư nước ngoài trên 9 tỉ USD/năm, nguồn thu từ khách du lịch nước ngoài trên 3 tỉ USD/năm... làm cho cung USD lớn hơn cầu, vì vậy sức hút của USD ngày càng giảm dần trong xã hội.

Cơ hội tăng dự trữ quốc gia

Khi người dân “chê” USD thì ngân hàng mua được nhiều USD. Ông Đào Hồng Châu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Eximbank, cho biết trong tháng 2 Ngân hàng Eximbank đã mua ngoại tệ (chủ yếu là USD) giá trị tăng hơn 50% so với tháng trước. Còn đối với Nhà nước, đây là cơ hội mua vào USD để tăng tích lũy dự trữ quốc gia.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, mức dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện đã tương đương 9 tuần nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Năm 2005 kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 36,88 tỉ USD, điều đó có nghĩa là nguồn dự trữ ngoại tệ Việt Nam hiện đã đạt 6,4 tỉ USD.

Mức dự trữ đó chưa bằng 1% so với các nước Nhật, Trung Quốc, nhưng nó có ý nghĩa rất lớn vì lần đầu tiên Việt Nam đã có dự trữ ngoại tệ đủ mạnh để điều tiết thị trường trong nước.

Theo Trần Phú Minh
Báo Người lao động