Tỷ phú huyền thoại Warren Buffett thừa nhận mắc 5 sai lầm

(Dân trí) - Được biết đến như nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới, sở hữu khối tài sản hơn 40 tỷ USD, vậy nhưng Warren Buffett cũng đã mắc không ít sai lầm trong đầu tư. Ông vừa lên tiếng thừa nhận trong bức thư thường niên gửi cổ đông.

Trong quý 4 vừa qua, lợi nhuận của tập đoàn Berkshire Hathaway Inc. mà Warren Buffett làm Chủ tịch kiêm CEO đã sụt giảm đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 3,05 tỷ USD. Và trong bức thư thường niên gửi tới các cổ đông của mình, nhà đầu tư huyền thoại này đã không ngần ngại chỉ ra những sai lầm mắc phải thời gian qua.

Tỷ phú huyền thoại Warren Buffett thừa nhận mắc 5 sai lầm - 1
Không chỉ là nhà đầu tư đại tài, Warren Buffett còn nổi tiếng thẳng thắn

1. Sự phục hồi của thị trường BĐS

Sai lầm: Trong bức thư thường niên năm ngoái Buffett dự đoán rằng thị trường nhà ở Mỹ sẽ bắt đầu phục hồi trong năm nay và là động lực giúp kinh tế phục hồi.

Giải thích: Buffett đã không hề vòng vo khi thừa nhận rằng ông đã “phạm sai lầm chết người” khi đưa ra nhận định trên. Nhưng ông cho rằng nhu cầu nhà ở trong tương lai tất yếu sẽ tăng do tăng dân số tự nhiên. Và bức thư có đoạn: “Vào những thời điểm nhất định người ta có thể quyết định tạm ngừng việc kết hôn nhưng cuối cùng việc đó vẫn sẽ xảy ra. Trong giai đoạn suy thoái, phản ứng đầu tiên của mọi người có thể là chọn cách sống chung với gia đình chồng/vợ nhưng việc này sẽ nhanh chóng trở nên kém hấp dẫn”.

2. Ngành năng lượng

Sai lầm: Buffett đã chi khoảng 2 tỷ USD mua trái phiếu của tập đoàn năng lượng Energy Future Holdings ở Texas. Thế nhưng đến nay giá trị số trái phiếu này hiện chỉ còn 878 triệu USD. Và ông thừa nhận ngay cả con số khiêm tốn còn lại này cũng có thể bị xóa sạch.

Tỷ phú huyền thoại Warren Buffett thừa nhận mắc 5 sai lầm - 2
Đầu tư vào Energy Future Holdings là sai lầm của Buffett

Giải thích: Nhà đầu tư huyền thoại thẳng thắn thừa nhận ông đã nhận định sai về triển vọng của công ty trên cũng như về diễn biến của giá xăng dầu. “Tuy nhiên sự thật là tôi đã đánh giá sai khả năng lời/lỗ khi tôi mua trái phiếu. Như cách nói của những người chơi tennis, đây là một sai lầm không đáng có”.

3. Hoạt động M&A

Sai lầm: Một số công ty mà Berkshire Hathaway mua lại thời gian qua không đóng góp nhiều cho lợi nhuận của họ. Mặc dù không chỉ ra đích danh những thương vụ nào nhưng Buffett thừa nhận một số công ty đang có kết quả kinh doanh nghèo nàn.

Giải thích: Vị tỷ phú người Mỹ cho biết ông đánh giá sai các doanh nghiệp này trước khi Berkshire mua lại chúng vì đôi lúc ông không lắng nghe vị Phó Chủ tịch của mình là Charlie Munger. “Tôi cố gắng dự đoán tình hình trong vòng 10 – 20 năm mỗi khi tiến hành một thương vụ mua lại nhưng đôi khi thị lực của tôi không được tốt”, Buffett tự châm biến. “Trong khi đó Charlie có đôi mắt tinh tường hơn. Ông ấy đã bỏ phiếu chống trong nhiều thương vụ sai lầm của tôi”.

4. Cổ phiếu dầu mỏ

Sai lầm: Trong năm 2008 Buffett đã tăng gấp 4 lần tỷ lệ sở hữu tại tập đoàn dầu mỏ ConocoPhillips khi giá dầu và gas gần đạt đỉnh. Và đến nay khoản đầu tư này khiến Berkshire thiệt hại vài tỷ USD.

Tỷ phú huyền thoại Warren Buffett thừa nhận mắc 5 sai lầm - 3
Dù có những sai lầm nhưng quan điểm của Buffett vẫn rất được trân trọng

Giải thích: Buffett cho biết ông không thể lường trước giá dầu lại sụt giảm ghê gớm như cuối năm 2008. “Trong năm 2008 tôi đã phạm nhiều sai lầm ngớ ngẩn trong đầu tư. Ít nhất đã có một quyết định sai lầm nghiêm trọng cùng một vài bước đi kém sáng suốt khác và tất cả đều gây tổn thất”.

5. Ngành dệt may

Sai lầm: Buffett cho rằng bản thân việc mua lại Berkshire Hathaway chính là quyết định đầu tư tệ hại nhất của mình. Vào những năm 1960 đây còn là một nhà máy dệt may hoạt động cầm chừng ở New England. Thế nhưng ông vẫn để cho nó hoạt động thêm 20 năm trước khi đóng cửa hoàn toàn.

Giải thích: Buffett cho biết ông đã không nhận ra rằng ngành dệt may sẽ nhanh chóng thua lỗ. “Điều ngớ ngẩn nhất tôi đã từng làm đó là theo đuổi những cơ hội để cải thiện và mở rộng hoạt động dệt may đang có. Vậy nên tôi đã mất nhiều năm cho việc đó. Và rồi, tôi lại bỏ tiền mua một công ty dệt may nữa. Nhưng cuối cùng trực giác mách bảo và tôi chuyển sang lĩnh vực bảo hiểm, sau đó là các ngành khác”.

Thanh Tùng
Theo AP