Tung tiền ra nền kinh tế, tư lệnh ngành nói gì vễ nỗi lo lạm phát?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp để kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là về áp lực lạm phát gia tăng trong 2 năm 2022 và 2023.

Lạm phát tăng cao thì các doanh nghiệp sẽ phải chạy theo vòng xoáy vay - nợ - lạm phát

Thảo luận tại tổ cũng như phát biểu trước hội trường Quốc hội trong mấy ngày qua tại kỳ họp bất thường, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tính cần thiết của gói hỗ trợ của chương trình phục hồi kinh tế.

Theo tính toán của Chính phủ, ước tính giá trị thực tế của gói chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội này là gần 347.000 tỷ đồng, khoảng 4,28% GDP.

Đồng tình gói này phải có quy mô đủ lớn, tuy nhiên, một số đại biểu cũng tỏ ra lo ngại lạm phát tăng cao khi tung thêm tiền vào nền kinh tế.

Tung tiền ra nền kinh tế, tư lệnh ngành nói gì vễ nỗi lo lạm phát? - 1

Kỳ họp bất thường của Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có gói hỗ trợ nền kinh tế gần 350.000 tỷ đồng (Ảnh: Quốc Chính).

Thảo luận về gói hỗ trợ, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nói, trong bối cảnh hiện nay, dù chúng ta hướng tới mục tiêu phục hồi hay phát triển thì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống vẫn là yếu tố nền tảng.

"Mất ổn định là mất tất cả. Chúng ta không thể bỏ qua một thực tế trong bối cảnh hiện nay ở nước ta là áp lực lạm phát đang lớn và áp lực nợ xấu cũng gia tăng", theo ông Lộc.

Theo ông, suốt 2 năm vừa qua, ngân sách Nhà nước cũng như chính sách tiền tệ đã có nhiều nỗ lực để có thể hỗ trợ cho nền kinh tế. Bây giờ, dư địa chính sách của chúng ta không còn nhiều, đặc biệt dư địa trong chính sách ngân hàng. Còn hiện nay, ngân hàng đang cho vay dưới chuẩn. Khi dưới chuẩn có nghĩa là rủi ro về tín dụng, rủi ro về nợ xấu đang tăng lên.

Trong khi đó, trên thế giới, các ngân hàng trung ương của các quốc gia cũng đang siết chặt lại chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Đây là xu hướng chung của cả thế giới, theo quan sát từ đại biểu Lộc. Chưa kể, các bài học nhãn tiền của khủng hoảng kinh tế vào giai đoạn 2008-2013 vẫn còn "nóng hổi" đối với chúng ta. Do vậy, đại biểu Lộc nhất trí việc đưa ra những chính sách linh hoạt nhưng thận trọng.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cũng nói cần đặc biệt chú ý đến vấn đề lạm phát, vay nợ công, thâm hụt ngân sách Nhà nước và duy trì trong giới hạn chấp nhận được trong một giai đoạn nhất định.

Đại biểu thống nhất trước mắt cân nhắc điều chỉnh một số chỉ tiêu tài chính quốc gia 5 năm nhưng cần có giải pháp trong các năm 2024-2025 để phấn đấu đạt các chỉ tiêu tài chính quốc gia 5 năm mà nghị quyết Quốc hội đã ban hành.

Hơn nữa, đại biểu Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng các đối tượng được hỗ trợ để bảo đảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng trả nợ trong tương lai. "Nếu lạm phát tăng cao thì các doanh nghiệp sẽ phải chạy theo vòng xoáy vay - nợ - lạm phát, lợi ích của chương trình phục hồi sẽ bị suy giảm", đại biểu Huy nói.

Đã nhận diện và có giải pháp

Tại phiên thảo luận tổ hôm 4/1, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cũng lo ngại lạm phát tăng mạnh khi đưa tiền vào lưu thông và kích ở cả phía cung và cầu.

Dẫn chứng nhiều quốc gia đều tăng lạm phát khi cung thêm tiền để phục hồi kinh tế như Mỹ, châu Âu, ông Hùng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá kỹ hơn về lạm phát bởi đây là nguy cơ hiện hữu.

Trước những lo ngại của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh đánh giá tác động của chính sách thì Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp để kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là về áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022 và 2023 do cộng hưởng từ các biện pháp hỗ trợ của ta và tác động của các yếu tố bên ngoài.

"Trong quá trình thực hiện thì Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để kịp thời có phản ứng, chính sách phù hợp để kiểm soát lạm phát, để nâng cao tính công khai, minh bạch", ông Dũng nhấn mạnh.

Trong phần báo cáo giải trình được gửi tới các đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận từ năm 2022, rủi ro lạm phát tăng cao, các tổ chức quốc tế cảnh báo Việt Nam tránh nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.

Theo ông, lạm phát chịu nhiều sức ép tăng do cộng hưởng của cả cầu kéo và chi phí đẩy. Kinh tế phục hồi, tổng cầu tăng mạnh; giá hàng hóa thế giới neo cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, địa chính trị phức tạp; chi phí sản xuất tăng mạnh trong năm 2021 có thể truyền dẫn sang lạm phát của năm 2022; kỳ vọng lạm phát tăng...

Trong bối cảnh trên, ông Dũng cho biết Chương trình đưa ra giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh, thích ứng với diễn biến thị trường là phù hợp để vừa hỗ trợ triển khai Chương trình nhưng vẫn phải bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng trấn an, hỗ trợ cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng, phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng, nhưng trong tầm kiểm soát vì không còn cách nào khác.

"Mục tiêu cao nhất là phải giữ được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Anh tung tiền ra nhiều nhưng phải tránh tình trạng không cầm cân được khiến lạm phát tăng", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trong khi đó một số đại biểu lại nhấn mạnh không nên coi đây là "bơm tiền vào nền kinh tế". Bởi nếu quan niệm như vậy, nhiều người sẽ nghĩ rằng lượng tiền được bơm vào lưu thông rất nhiều, đẩy tình trạng lạm phát lên, mất giá hoặc có thể chuyển sang đầu tư vào chứng khoán, bất động sản để đầu cơ, sẽ rất nguy hiểm…

Thực tế, đại biểu chỉ ra lượng vốn đưa vào rất nhỏ, chỉ khoảng 176.000 tỷ đồng giải ngân trong 2 năm và nhiều khoản có thể giải ngân kéo dài vài năm sau. Chính vì nhỏ nên gói này cần tập trung vào các lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch hoặc các vấn đề cấp bách cho việc phòng chống dịch để phục hồi kinh tế.