Tự thâu tóm để kiếm lời

Động thái thu gom cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn đang khiến giới đầu tư đặt câu hỏi về những chiêu thức kiếm lời đầy toan tính.

“Chiêu trò” của Kinh Đô

 

Thông tin Công ty Kinh Đô Bình Dương (KDC nắm 99,8% vốn) bán hết 13 triệu cổ phiếu của Công ty mẹ (KDC) trong tháng 3/2013 được nhà đầu tư và giới truyền thông không thể không “soi mói”, vì đây chính là lượng cổ phiếu mà Kinh Đô Bình Dương vừa mua vào hồi tháng 12/2012.

 

Theo đại diện Công ty Chứng khoán KimEng, động thái này chỉ là hình thức lách luật mua, bán cổ phiếu quỹ. “Ước tính, việc này có thể mang lại cho KDC khoảng 90 tỷ đồng lợi nhuận tài chính”, đại diện này tính toán.

 

Cũng phải nhắc lại, khi thông tin mua vào cổ phiếu KDC của Kinh Đô Bình Dương được công bố, thị trường đã ồn lên về khả năng các lãnh đạo của Kinh Đô muốn gom cổ phiếu để tránh nguy cơ bị thâu tóm. Đồn đại này không hề vô căn cứ, khi trước đó, đã có không ít doanh nghiệp bị thâu tóm một cách bất ngờ, thậm chí người sáng lập đã trở thành người ngoài của chính đứa con mình rứt ruột đẻ ra.

 

Tuy nhiên, diễn tiến của Kinh Đô có vẻ theo chiều hướng khác. Nhìn vào cơ cấu cổ đông, thì các nhà đầu tư nước ngoài tại Kinh Đô đã nắm gần 49% cổ phần. Những người sáng lập nên KDC là hai anh em Chủ tịch HĐQT Trần Kim Thành và Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên, trong năm ngoái đã tăng mức nắm giữ lên gần 40% cổ phiếu KDC. Với cơ cấu này, khả năng thâu tóm Kinh Đô rất khó có thể xảy ra, nếu không đạt được thỏa thuận với gia đình lãnh đạo cao nhất của KDC.

 

Một cổ đông đang nắm giữ trên 10% cổ phần của KDC (xin không nêu tên) khi được hỏi cũng đưa ra nhận định khá thẳng thắn, với số cổ phần đang nắm giữ, với tình hình hiện tại, lo ngại về việc bị thâu tóm rất thấp và như vậy, “thì không cần thiết phải phòng ngừa bằng cách thu gom cổ phiếu của chính mình”.

 

“Nếu KDC muốn chống thâu tóm, thì ban điều hành đó không mua gom cổ phiếu về rồi lại bán ra để kiếm lời. Đây là động thái có lợi cho cổ đông và là chuyện hết sức bình thường đối với ban điều hành Công ty”, cổ đông này phản biện lại quan điểm cho là, KDC lách luật và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông nhỏ. Vì khoản lợi nhuận từ giao dịch này của Kinh Đô Bình Dương sẽ được hạch toán vào lợi nhuận của Công ty mẹ.
 
Với cơ cấu vốn hiện nay, khả năng bên ngoài vào thâu tóm Kinh Đô rất khó xảy ra. Ảnh: Lê Toàn
Với cơ cấu vốn hiện nay, khả năng bên ngoài vào thâu tóm Kinh Đô rất khó xảy ra. Ảnh: Lê Toàn

 

Những cách thức đầu tư

 

Khi thông báo bán hết số cổ phiếu KDC đã mua trước đó, Kinh Đô cũng công bố mục đích đầu tư của thương vụ này. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán và tình hình kinh tế vẫn ảm đạm, thì rõ ràng, đây là khoản đầu tư khôn ngoan của lãnh đạo Công ty KDC.

 

Nhớ lại hồi năm ngoái, khi thị trường ồn ào bởi thông tin Công ty cổ phần Alphanam đã hoàn tất việc phát hành 127,9 triệu cổ phiếu ALP để hoán đổi cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam theo tỷ lệ 1:1. Thương vụ này được gọi là “niêm yết cửa sau”, bởi quy mô vốn của Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam lớn gấp đôi Alphanam. Sau sáp nhập, vốn điều lệ của Alphanam đã tăng từ 646 tỷ đồng lên 1.925 tỷ đồng.

 

Điều đáng nói là, chuyện sáp nhập giữa ALP và Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam không phải là lần đầu, kể từ khi Công ty Đầu tư Alphanam thành lập vào năm 2007. Chỉ trong vòng 6 năm, Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam đã 3 lần thay đổi cổ đông chi phối và câu chuyện “sự nhập nhằng giữa túi phải, túi trái” trong thương vụ này được đặt ra. 

 

Tuy vậy, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam lại phân tích, với bản chất 2 công ty này hoạt động gần như song song, cùng thời, thực ra, việc nhập hai làm một đó chính là cách “công khai túi trái, chấm dứt sự tồn tại của túi trái và túi phải”. Hiện giờ, Anphanam cần tập trung tăng quy mô doanh nghiệp, cũng để tập trung vào các lĩnh vực đầu tư chính theo đúng yêu cầu tái cơ cấu như vị CEO của Anphanam nói, nên các bước thôn tính này có thể sẽ chỉ mới bắt đầu.

 

Hiện tại, ALP cũng đặt kế hoạch mua lại cổ phiếu của Công ty cổ phần Alphanam Cơ điện (AME). Với mức giá trên sàn đang dưới 3.000 đồng/cổ phiếu, kế hoạch tự mua lại cổ phiếu của chính mình chắc không khó khăn. “Alphanam cơ điện kinh doanh không thua lỗ. Giá trị tài sản nếu tính chia ra cổ phiếu thì phải ở mức gần gần 20 giá trị cổ phiếu lúc này. Đây cũng là một khoản đầu tư rẻ, nhất là khi mục tiêu huy động vốn của các công ty này không còn.

 

Làm thế nào để tránh bị thâu tóm qua sàn?

 

Trước những động thái của doanh nghiệp nêu trên và dư luận đang quan tâm, thì cần phải hiểu nhà đầu tư sẽ đi thâu tóm trong trường hợp nào và ai sợ bị thâu tóm. Đặc biệt, làm thế nào để tránh thâu tóm qua sàn?

 

Thứ nhất, thông thường nhà đầu tư chỉ  thâu tóm nhằm điều hành, quản lý, chi phối ở mức độ nào đó của doanh nghiệp, mà có lợi nhất cho họ? Ở Việt Nam có nhiều mức độ, cao nhất là 51% là có thể điều chỉnh lại thành viên HĐQT, điều chỉnh lại ban điều hành. Mấy công ty chưa niêm yết, thì có khả năng cần 60-75% mới làm được nhưng công ty niêm yết thì nhiều hơn vì có nhiều cổ đông với nhiều tỷ lệ chi phối. Thậm chí một số công ty niêm yết, nhà đầu tư chỉ cần 30-35% là có thể chi phối được.

 

Thứ hai, ai sợ bị thâu tóm nhiều nhất? Chính là ban điều hành vì họ sợ bị bật khỏi do họ hoạt động không hiệu quả.

 

“Thâu tóm rất tốt và nó chỉ xảy ra khi một nhà đầu tư độc lập - họ nhìn vào ban điều hành đó đang làm mất tiền của nhà đầu tư và họ muốn thay đổi điều đó. Điều này vừa tốt cho doanh nghiệp, vừa tốt cho thị trường, cổ đông nào cũng được hưởng”.

 

Ngay ban điều hành phải đặt câu hỏi tại sao họ lại muốn đẩy mình đi? Vì làm việc không hiệu quả. Chính vì sợ điều này nên họ sẽ có động cơ thu gom và giữ cổ phiếu

 

Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital, cho hay, cách tốt nhất để tránh bị thâu tóm qua sàn là tung ra số lượng cổ phiếu hạn chế. Như trường hợp của Vietcombank, khi cổ phiếu này mới lên sàn họ chỉ đăng ký số cổ phiếu giao dịch mỗi lần chỉ  5-10%.

 

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp có thể thông qua một số nhà đầu tư thân thiết để phát hành số lượng trái phiếu chuyển đổi tương đương 20-30% cổ phần với giá 15 USD. Sau một thời gian, giá lên 20 USD, thì nhà đầu tư đó sẽ chuyển đổi thành cổ phần và trở thành cổ đông lớn. Lúc đó chính cổ đông này sẽ giúp doanh nghiệp chống lại thâu tóm. Thậm chí, biện pháp này rất hiệu quả khi ông điều hành yêu cầu nhà đầu tư đó chuyển đổi ở mức giá thấp, khoảng 10 - 12 USD, thì họ không dám mua để thâu tóm

 

Thực tế, nếu đã là công ty đại chúng, thì phải biết trước việc này. Đội ngũ tư vấn tài chính của những doanh nghiệp này phải thực sự đủ cứng để tư vấn lại cho chủ doanh nghiệp nên và không nên làm gì. Việc thu gom cổ phiếu sẽ an toàn, nhưng lại trộn vốn của họ cho những dự án khác, thì rõ ràng phải tìm cách khác tốt hơn.

 

 

Phần lớn những công ty tại Việt Nam niêm yết với mục đích huy động vốn. Điều này không sai, nhưng nếu chỉ để huy động vốn, thì không được dài hạn và nguy hiểm. Thực tế, nhà đầu tư ở nước ngoài họ có quyền biểu quyết để loại tổng giám đốc nếu họ thấy cách làm đó quá rủi ro, thất thoát. Chủ doanh nghiệp phải nghĩ cách cao hơn huy động vốn là gì và nên giữ sản nghiệp kinh doanh bằng chính thực lực của mình.

 

Theo Anh Hoa - Khánh An

Đầu tư