Tư duy lãnh đạo quyết định sức mạnh địa phương?

(Dân trí) - Nhiều khi "tấm bằng" đẹp của cán bộ công chức, viên chức không mang lại hiệu quả bằng sự chỉ đạo quyết liệt, tạo sự thuận tiện nhất cho người dân đang sinh sống và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong tương lai.

Tư duy lãnh đạo quyết định sức mạnh địa phương?

Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương 2013 vừa công bố cho thấy, trong 8 chỉ tiêu được lựa chọn để đánh giá "độ mở" của một địa phương thì thể chế vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


Cụ thể hóa về thể chế địa phương, nhóm nghiên cứu cho biết, chủ yếu xem xét đến việc tạo lập ra các thể chế phục vụ nhân dân phát triển cuộc sống, phục vụ doanh nghiệp phát triển kinh doanh và xa hơn là phục vụ địa phương hội nhập tích cực, chủ động và có hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu.

Trưởng nhóm nghiên cứu - ông Nguyễn Thành Trung nói, "Thể chế rất quan trọng và phụ thuộc vào người đứng đầu. Địa phương nào cũng vậy, nếu người đứng đầu có tầm nhìn thì sẽ có thể thay đổi được diện mạo và sức hút của địa phương đó".

Do vậy, ngay cả những địa phương thu hút được FDI lớn - yếu tố vốn được cho là mang tính đại diện cho khả năng hội nhập - thì cũng không hẳn vị trí của địa phương đó ở trên bảng xếp hạng hội nhập đã tốt. 

Thực tế cho thấy, với tư duy nhiệm kỳ và căn bệnh thích, không ít địa phương đã gọi thu hút được những dự án "tỷ đô", tuy nhiên, trên thực tế giải ngân lại rất thấp. Tình trạng đầu tư FDI "đầu voi đuôi chuột", doanh nghiệp FDI bỏ trốn không phải là hiếm trong bối cảnh hiện nay.

Trong Top 10 địa phương dẫn đầu về kết quả Chỉ số năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nghệ An, Hưng Yên và Thừa Thiên - Huế, bên cạnh những yếu tố quan trọng khác như thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng... thì thể chế của các địa phương này đều được đánh giá cao.

Lấy ví dụ về chính sách nhân dụng của địa phương, ông Trung cho biết, Đà Nẵng, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu được đề cao về chất lượng chính sách thu hút nhân tài. Qua đó cho thấy, đây là những địa phương có sự đầu tư về mặt chiến lược nguồn nhân lực, từ đó tạo thành lợi thế cạnh tranh bền vững của địa phương mình.

Trong nhóm này, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương cũng nhận được nhiều đánh giá tốt về hoạt động cải cách thủ tục hành chính nói riêng và về chất lượng các chính sách nói chung.

Tại báo cáo lần này, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra một thực tế, trong yếu tố thể chế, quy mô về số lượng và chất lượng của công chức, việc chức đại diện cho khả năng đáp ứng yêu cầu và nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Tuy nhiên, chất lượng cán bộ Nhà nước lại đang là vấn đề đặt ra với cơ quan các cấp chính quyền Trung ương và địa phương.

Một số địa phương đặt vấn đề về bằng cấp của cán bộ để coi đó là điều kiện cần để có thể làm "công bộc" của dân. Nhưng thực tế, chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực của các cơ sở giáo dục hiện nay của Việt Nam lại còn nhiều bất cập và yếu kém, dẫn đến tình trạng lý thuyết nhiều mà thực hành ít. Nhiều cán bộ tuy đứng ở những vị trí công việc đòi hỏi hàm lượng chuyên môn nhưng kiến thức và kỹ năng lại còn nhiều thiếu sót.

Một điều thú vị là, địa phương có chỉ số hội nhập quốc tế cao nhất - TP Hồ Chí Minh - với quy mô lớn đòi hỏi lượng cán bộ nhiều hơn so với các tỉnh thành khác, tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học trở lên lại đạt mức trung bình trong tương quan so sánh.

Hay như Cà Mau, mặc dù tỷ lệ cán bộ có trình độ Đại học trở lên thấp nhưng số thủ tục hành chính áp dụng cơ chế một cửa nhiều. Trong khi đó, trường hợp của Hà Tĩnh, đây là địa phương có số cán bộ ở trình độ từ Đại học trở lên lớn nhưng tỷ lệ thủ tục hành chính áp dụng cơ chế một chưa theo Đề án 30 lại gần như thấp nhất. 

Theo nhóm nghiên cứu, kết quả này có ý nghĩa rằng, việc thực hiện Đề án 30 không chỉ phụ thuộc vào "tấm bằng" đẹp của cán bộ công chức, viên chức mà còn phụ thuộc và phương thức thực hiện và sự chỉ đạo quyết liệt của địa phương, nhằm mang lại sự thuận tiện nhất cho người dân đang sinh sống và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong tương lai.

Báo cáo đánh giá năng lực hội nhập kinh tế cấp địa phương thông qua thanh đo lường chung là "chỉ số hội nhập kinh tế cấp địa phương" là kết quả nghiên cứu do Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế thực hiện thông qua đánh giá 4 trụ cột "tĩnh" gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, văn hóa, đặc điểm tự nhiên của địa phương và 4 trụ cột "động" là con người, thương mại, đầu tư, du lịch.

Bích Diệp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước