Từ CPI nghĩ về trách nhiệm của người chỉ huy
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2009 đạt 6,88%, Chính phủ đã thực hiện được cam kết với Quốc hội, là một trong những thông tin đậm nét trên nhiều tờ báo những ngày cuối năm 2009.
Góc nhìn của TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về vai trò “người chỉ huy” trong nền kinh tế.
Lần lượt đọc lại báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế xã hội và những ý kiến thảo luận từ kỳ họp Quốc hội thứ 2 đến nay cũng cho thấy chỉ số này luôn được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Điều này cũng dễ lý giải vì CPI phản ánh trực tiếp khó khăn của người dân khi giá cả leo thang.
Trong các tài liệu đăng trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, ngay từ kỳ họp thứ 2, đã có những ý kiến dự báo chỉ số CPI năm 2008 sẽ tăng cao. Nhưng tiếc là dự báo đó đã không được quan tâm đúng mức, dẫn đến kỳ họp thứ 3 lại phải có những điều chỉnh.
Tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4, cũng đã có những đề xuất về tái cơ cấu nền kinh tế cho phù hợp với tình hình mới. Song, một lần nữa vấn đề lại “nhẹ nhàng” trôi qua.
Nếu kỳ họp thứ 5 và thứ 6 vừa qua Quốc hội lại thảo luận và bắt tay vào nghiên cứu để sử dụng nguồn vốn kích thích kinh tế phục vụ cho việc tái cơ cấu nền kinh tế. Đến nay, gói kích cầu đã hoàn thành nhiệm vụ, tiền đã chi nhưng định hướng về một mô hình phát triển mới vẫn chưa được hình thành rõ nét.
Chúng ta vẫn hay nói với nhau thời gian cũng là lực lượng, nhưng qua một vài ví dụ nêu trên có thể thấy rằng chính chúng ta đã lãng phí biết bao.
Dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam vừa qua, câu chuyện về cố Đại tướng Lê Trọng Tấn trong những ngày chỉ huy chiến dịch Đường Chín - Nam Lào được kể lại: “khi nghe anh em Việt Nam thông tấn xã báo cáo địch hủy cuộc họp báo quốc tế dự kiến tổ chức tại Sepon (Lào), ông suy nghĩ và kết luận địch chuẩn bị rút chạy. Ông hội ý với Chính ủy Lê Quang Đạo và chỉ huy bộ đội xây dựng phương án đánh địch rút chạy. Kết quả diễn biến tình hình đúng như dự báo, ta thắng lớn”.
Từ một thông tin của một cơ quan không liên quan đến quân sự, tưởng chừng như không liên quan đến những trận đánh của chiến dịch, người chỉ huy đã nắm bắt và đặt thông tin đó trong điểm cuối của chuỗi sự việc liên tục của tình hình chiến trường để có những phán đoán chính xác, đưa ra những quyết định kịp thời.
Cũng từ hai mẩu chuyện tưởng chừng như không liên quan gì đến nhau này lại có một vấn đề chung xuất hiện: các cơ sở khoa học của việc ra quyết định. Chiến tranh có quy luật khắc nghiệt, thắng bại của một trận đánh, của một chiến dịch phải tính bằng máu xương của người lính. Trong bối cảnh đó, người lính không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của tổ quốc, nhưng trách nhiệm người chỉ huy là phải hạn chế đến mức thấp nhất sự hy sinh đó.
Phát triển kinh tế cũng có những quy luật khắc nghiệt không kém, nhưng sẽ chậm nhận ra hơn vì nó tác động từ từ đến sinh hoạt, đến chất lượng cuộc sống người dân. Vì vậy, cũng có thể nói rằng một nền kinh tế tăng trưởng cao nhưng đời sống người dân không được cải thiện tương xứng thì mô hình phát triển đó cần được cân nhắc.
Năm 2009 mới đi qua, nhiều quyết định quan trọng tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội đã được thực hiện, trong đó có việc áp dụng gói hỗ trợ lãi suất 4%. Đây đã từng là một sự kiện nóng bỏng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Ngay từ những tháng đầu năm, khi triển khai các biện pháp điều hành nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra chính sách hỗ trợ các khoản vay tại ngân hàng của doanh nghiệp và cá nhân, không phân biệt thành phần kinh tế, giúp doanh nghiệp - cá nhân kinh doanh vượt qua được khó khăn để duy trì sản xuất, giữ được việc làm cho người lao động. Chính sách này, nếu so sánh với các nước cũng phải triển khai gói cứu trợ tương tự, được đánh giá là triển khai sớm.
Nhưng khi chuẩn bị kết thúc theo đúng thời gian đã công bố, trong kỳ họp cuối năm của Quốc hội vừa qua nhiều ý kiến đã diễn ra trái chiều nhau. Nhìn chung có thể chia thành ba nhóm ý kiến.
Nhóm thứ nhất được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ, đề xuất kéo dài hỗ trợ lãi suất với lập luận là không thực hiện chính sách tiền tệ “giật cục”, tránh cho doanh nghiệp bị sốc như khi thắt chặt tiền vay tại các ngân hàng.
Nhóm thứ hai được thể hiện trong báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội là chấm dứt hỗ trợ đúng thời gian công bố ban đầu của Chính phủ. Lý do được đưa ra là chính sách đặc biệt nhằm “hỗ trợ sản xuất, giữ việc làm” nên khi nền kinh tế đã chuyển động dần vào quỹ đạo thì cần chấm dứt để tôn trọng quy luật của nền kinh tế thị trường.
Nhóm thứ ba đề xuất kéo dài chính sách hỗ trợ đến hết quý 1/2010 và với mức độ hỗ trợ 2%, với lập luận là tận dụng hết các ưu điểm của cả hai phương án nêu trên.
Trước tình hình ý kiến thảo luận còn phân tán, trong báo cáo giải trình của Chính phủ đã đề xuất xem xét toàn diện, tức là cần thêm thời gian để đánh giá và sẽ ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể vào tháng 12/2009.
Đến nay, Chính phủ đã quyết định dừng việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh với mức lãi suất 4%. Tất nhiên trước quyết định dứt khoát của Chính phủ như vậy, một số tổ chức, cá nhân vốn vẫn có những hy vọng sẽ được tiếp tục được sử dụng miễn phí Ngân sách Nhà nước sẽ thất vọng. Sẽ có những ý kiến phát biểu so sánh và phê phán là dùng “liệu pháp sốc” hoặc không quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Nhưng, nền kinh tế có những quy luật riêng của nó. Trong điều kiện đã công khai minh bạch gói kích cầu theo Quyết định 131 ngay từ ngày 23/01/2009 về thời gian và mức độ thì việc dừng lại là tất yếu. Mặt khác, những tác động không mong muốn khi thực thi chính sách này ngày càng lớn dần, nếu không xử lý kịp thời sẽ có những tác động dây chuyền lên chính sách ngoại hối, đến dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng… và tất nhiên, đến cả chỉ số CPI mà các đại biểu Quốc hội rất quan tâm như đã nói ở trên.
Nhìn lại chỉ số CPI tháng 12/2009 và so sánh với những tháng trước đó, có thể đủ điều kiện nhận xét việc “dừng” của Chính phủ là phản ánh được quy luật đang diễn ra của sự việc.
Và, người viết bài này, với tư cách là một đại biểu Quốc hội, nhận thấy rằng, trong một nền kinh tế còn nhiều tồn tại yếu kém, những thông tin phản ánh diễn biến kinh tế chưa đủ và chưa được cập nhật thường xuyên thì việc đưa ra quyết định là rất khó khăn. Nhưng khi không thể không đưa ra quyết định vì dòng chảy sự kiện là liên tục thì vai trò (tạm gọi) là của người chỉ huy (bao gồm cả những vị đại biểu Quốc hội) có ảnh hưởng rất lớn đến công việc khó khăn này.
Và như vậy, người chỉ huy sẽ phải tự xác định những thông tin “cần” để có thể đưa ra được quyết định kịp thời, chính xác.
TS. Nguyễn Đức Kiên
VnEconomy