1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tự chủ kinh tế hay bài toán “thoát Trung” với Việt Nam

(Dân trí) - Cuộc hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3/7 được nhiều chuyên gia khái quát là để tính hướng “thoát Trung” trong bối cảnh phức tạp tại Biển Đông…

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

*
Bộ trưởng Đinh La Thăng xin lỗi, hứa gỡ rối cho doanh nghiệp

* Bẫy lừa trên thị trường bất động sản: Khốn đốn vì mua nhà trên giấy

* Câu chuyện phía sau những lời rao bán nhà

* Hết thời tùy tiện thu hồi đất

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Võ Trí Thành đặt vấn đề, tự chủ trong một thế giới hội nhập, tương thuộc nhau cần bao hàm cả 2 nội dung, chủ quyền độc lập quốc gia và tối đa hoá sự phát triển kinh tế.

Chấp nhận “cuộc chơi” hội nhập nghĩa là quyền tự chủ nhìn từ góc độ quyền quyết định chính sách, thực thi chính sách, rà soát chính sách bị thu hẹp. Ví dụ, tham gia WTO, quốc gia thành viên không thể tự áp thuế ở bất cứ mức nào, thuế quan không thể vượt trần quy định của tổ chức này.

Dù vậy, hội nhập vẫn tác động theo cả hướng tích cực và tiêu cực đến vấn đề chủ quyền đất nước vì hội nhập rõ ràng có rủi ro nhưng rủi ro lớn nhất lại là không hội nhập, tức không thể phát triển.

Tự chủ kinh tế hay bài toán “thoát Trung” với Việt Nam

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (phải), Lê Đăng Doanh (giữa) và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cùng ngồi ghế chủ trì hội thảo.

“Cuộc chơi” với Trung Quốc, theo lập luận đó, ông Thành cho là không thể không khai thác. Trong cuộc chơi này, người láng giềng “to vai nhưng hẹp bụng” đang “ăn” được nhiều hơn. Nhưng không phải vì thế Trung Quốc tuyệt đối an toàn. Rủi ro ngược lại đối với chính quốc gia đang trỗi dậy này.

Từ phân tích này, ông Thành đi đến nhận định khá lạc quan, Trung Quốc không dễ gì tiếp tục gây hấn ồ ạt, quy mô lớn hơn trên biển dù vẫn phải tính đến kịch bản xấu nhất là Trung Quốc cắt 100% giao thương với Việt Nam.

Trung Quốc không chỉ là bạn hàng lớn mà còn đang là chủ thầu ở nhiều dự án khá quan trọng, nhạy cảm trong giao thông, năng lượng ở Việt Nam. Trung Quốc cũng chiếm 1/4 lượng khách du lịch đến Việt Nam. Nền sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc…

Tuy nhiên, tới 60% lượng nguyên liệu nhập đó là từ các doanh nghiệp, tập đoàn xuyên quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam. Chấm dứt bán hàng, trước hết Trung Quốc thiệt hại hàng trăm tỷ USD/năm, liên quan chặt chẽ đến việc giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động của nước này ở các tỉnh thành phía Nam… Sau đó, uy tín của Trung Quốc đối với các bạn hàng là các tập đoàn kinh tế quốc tế cũng đổ vỡ.

Tán thành những phân tích này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, không nên ngồi than về số kiếp phải ở cạnh người láng giềng luôn chỉ tìm cách chơi xấu anh em mà cần xác định ở bên Trung Quốc là một lợi thế địa chính trị không thể bỏ qua để phát triển đất nước.

Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Trung Quốc và Việt Nam rất đáng chú ý. Ông Doanh dẫn một vài con số, 45% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang xuất sang ba tỉnh miền Nam Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc có thể ép giá với gạo Việt Nam nhưng cũng sẽ phải cân nhắc khi định quay lưng.

Về nguồn nguyên liệu Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Doanh dẫn chứng chuyện của tập đoàn Samsung tại Việt Nam. Năm 2013, Samsung Vina xuất được hơn 23 tỷ USD và Trung Quốc khó có thể dừng việc cung cấp nguyên liệu với giá trị gần xấp xỉ cho nhà máy của Samsung tại Việt Nam vì làm như thế vừa mất tiền, tự từ bỏ nguồn lợi vừa tai tiếng với các tập đoàn thế giới.

Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cũng đồng ý với những khuyến cáo đầy quan ngại về việc hiện diện của các doanh nghiệp Trung Quốc trong hàng loạt dự án lớn và quan trọng của Việt Nam. Lý do ông Doanh đưa ra là vì chất lượng, tiến độ không đảm bảo của các công trình, dự án này trong khi “Trung Quốc là bậc thầy về… đút lót, mua chuộc”.

Ông Doanh phân tích, Việt Nam đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo hình thức EPC: 23/24 nhà máy xi măng; 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng (bauxite), cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới…

Các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc tham gia mang nhiều màu sắc chi phối của lợi ích nhóm. Đây là một yếu tố làm gia tăng rủi ro, dẫn đến những sơ hở khiến Việt Nam có thể rơi sâu vào tình trạng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.

Đồng cảm với những lo lắng của các đồng nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo, hiện tượng tương thuộc giữa quan hệ kinh tế Trung Quốc - Việt Nam rất… không bình thường.

Theo bà Lan, yếu tố chính trị hiện chi phối nhiều đến quyết định kinh tế, nhiều thương vụ lớn, hệ trọng được thực hiện trong bối cảnh lợi ích nhóm, nguy cơ tham nhũng vẫn còn hiển hiện. Nhiều quyết định kinh tế hiện nay, chưa theo quy trình ban hành chuẩn mực, trong khi những phức tạp, nguy hại về quản lý nhà nước, an ninh kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng thì khó lường hết được.

Tình trạng này thực sự là thử thách lớn cho các nhà lãnh đạo Việt Nam trong vấn đề ứng xử với Trung Quốc trong quan hệ kinh tế trong thời gian tới, trong bối cảnh biển Đông đang căng thẳng hiện nay.

P.Thảo

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”