TTCK xuất hiện nhiều dấu hiệu vi phạm hình sự

Đó là cảnh báo của TS Phạm Trọng Bình - Trưởng Ban Pháp chế Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại hội thảo “Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam: Phát triển và hội nhập” tổ chức tại TPHCM ngày hôm qua 8/2.

Theo TS Phạm Trọng Bình, có dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán TTCK tại một thời điểm nhất định bị thao túng bởi một số nhà đầu tư. Ngoài ra, có một số biểu hiện còn cho thấy có hiện tượng “nội gián” trong kinh doanh chứng khoán.

Cụ thể là, một số tổ chức niêm yết dù chưa công bố thông tin chính thức nhưng đã xuất hiện tình trạng thu gom số lượng lớn cổ phiếu của tổ chức đó phát hành. “Vì sao các nhà đầu tư biết được triển vọng của loại chứng khoán này (nếu không bị “rò rỉ” từ nội bộ) một khi thông tin chính thức chưa công bố” - Một chuyên gia khác nhận định.

Vi phạm trên đang dần trở nên phổ biến trong khi theo TS Phạm Trọng Bình, Bộ luật Hình sự hiện chưa có quy định cụ thể về xử phạt các hành vi nói trên. Để xử lý, các cơ quan chức năng buộc phải vận dụng các tội danh khác có tính chất, mức độ vi phạm tương tự. “UBCKNN đang kiến nghị Chính phủ khẩn trương bổ sung các tội danh trên vào Bộ luật Hình sự.

Trong tương lai để việc mua bán, giao dịch chứng khoán được công bằng, minh bạch, ngoài yếu tố con người, Nhà nước cần chú trọng cải tiến các yếu tố kỹ thuật như nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuyển sang phương thực khớp lệnh liên tục ...” - Ông Bình nói.

Theo ông Charles Marquand - chuyên gia EU của MUTRAP, tại Anh, Hồng Kông, Séc thỉnh thoảng vẫn xảy ra hiện tượng giao dịch nội gián (lợi dụng thông tin nội bộ nhạy cảm), điều khiển thị trường làm giá chứng khoán biến động ảo, đưa thông tin giả mạo hoặc sai lệch…

Việc xử lý các sai phạm trên chủ yếu bằng biện pháp hành chính và thường xử phạt rất nặng (có trường hợp phạt nặng gấp 3 lần so với số tiền kiếm được từ vi phạm).

Quá nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân

Theo ông Bùi Nguyên Hoàn, Vụ trưởng, Trưởng đại diện UBCKNN tại TPHCM, cả nước hiện chỉ có khoảng 300 nhà môi giới nhưng phải phụ trách một số lượng vốn chiếm khoảng 30% GDP (cuối năm 2006).

Bình quân mỗi nhà môi giới chỉ phụ trách đến… 500 tỷ đồng và đang không ngừng tăng lên nên làm không xuể. “Không chỉ thiếu về số lượng, nghiệp vụ tư vấn và đạo đức của nhà tư vấn về kinh doanh chứng khoán còn rất thiếu” - Ông Hoàn khẳng định.

TTCK Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá, thông tin - đặc biệt là ở thị trường trao tay (nhiều người nhầm lẫn gọi là thị trường OTC) vì không có sự quản lý điều hành của Nhà nước.

Trong khi đó, hệ thống các công ty quản lý quỹ đầu tư và công ty đầu tư có kinh nghiệm về kinh doanh chứng khoán lại chủ yếu phục vụ cho các tổ chức tài chính, không quan tâm đến đối tượng là các nhà đầu tư cá nhân. “Bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư cá nhân là đòi hỏi chính đáng. Để làm được, chúng ta phải hoàn thiện thị trường, minh bạch trong công bố và niêm yết thông tin”.

Theo ông Paul Backer - Chuyên gia EU của MUTRAP, muốn TTCK phát triển bền vững, Nhà nước cần đẩy mạnh cơ chế minh bạch hóa, đồng thời cải cách cơ sở và phương thức giám sát; quản lý thị trường trên cơ sở đánh giá rủi ro - giải quyết các rủi ro một cách có hệ thống. đặc biệt, cần phát triển các thể chế đầu tư trong nước.

“Trong tương lai, nên giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước tại các tổ chức niêm yết xuống dưới tỉ lệ 30% để thị trường vận hành linh hoạt hơn” - Ông Nguyễn Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Gilimex nhận định.

Theo Huy Thịnh
Báo Tiền phong