TS Võ Trí Thành: Khó khăn nhất đã qua, mong áp lực từ "cơn gió ngược" giảm
(Dân trí) - TS. Võ Trí Thành cho biết áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá đã giảm, thanh khoản ngân hàng ổn định... Nhưng vấn đề về sự lành mạnh hệ thống tài chính, niềm tin thị trường vẫn là những điều đáng lo.
Sáng 9/1, Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức Diễn đàn kinh tế vĩ mô năm 2024 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược" với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế.
3 điều về cơn gió ngược kinh tế thế giới
TS Võ Trí Thành cho biết kinh tế thế giới đang trong giai đoạn nhiều bất ổn, sau giai đoạn chiến tranh lạnh thì đây là giai đoạn đối đầu căng thẳng kể từ năm 1989 đến nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những căng thẳng, kinh tế thế giới cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị. Chưa bao giờ trong cuộc khủng hoảng người ta lại bàn về xu thế, không chỉ là cam kết chính trị mà là đòi hỏi của thị trường, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển dịch các chuỗi cung ứng.
Theo ông, về ngắn hạn, có 3 điều về cơn gió ngược kinh tế. Đặc trưng đầu tiên là về việc phục hồi kinh tế thế giới còn khó khăn, các quốc gia là đối tác thương mại du lịch của Việt Nam thì còn trong quá trình phục hồi hay câu chuyện kinh tế Mỹ còn nhiều tranh cãi.
Đặc trưng thứ hai là điều kiện tài chính tiền tệ ngặt nghèo. Năm 2024 dự báo đỡ áp lực hơn, lạm phát giảm, lãi suất không tăng, bắt đầu xu hướng giảm nhất là ở các nước phát triển lãi suất vẫn còn neo cao.
Đặc trưng thứ ba là rủi ro lớn từ địa chính trị, biến đổi khí hậu, rủi ro tài chính từ câu chuyện nợ của các quốc gia, nhiều quốc gia rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật.
Kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
Về kinh tế Việt Nam, kinh tế tài chính tiền tệ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ổn định hơn nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất giảm bớt, thanh khoản ngân hàng ổn định, chứng khoán, trái phiếu trải qua cơn chấn động và bắt đầu phục hồi.
Nhưng bên cạnh đó, vấn đề còn tồn tại hệ thống tài chính ngân hàng chưa đủ lành mạnh, xử lý ngân hàng yếu kém kéo dài hàng chục năm còn nhiều khó khăn. Nợ xấu gia tăng, nợ nội bảng hiện trên ngưỡng gần 3,4%, tiếp tục xu hướng tăng.
Ngoài ra, lòng tin vào thị trường tài chính chưa được cải thiện, điển hình là trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng cho người dân gắn với câu chuyện bất động sản, mua nhà, sửa nhà… Gần 64% tín dụng bất động sản là dành cho cá nhân, nhưng trong 2023 tín dụng cho cá nhân gần như không tăng.
"Khó khăn nhất đã qua, hy vọng áp lực từ yếu tố quốc tế sẽ giảm đi trong thời gian tới" ông Thành nhận định.
Đồng quan điểm với ông Thành, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM, Đại biểu quốc hội, cho biết trong bối cảnh địa chính trị thế giới đầy phức tạp, Việt Nam vẫn giữ lãi suất được ổn định, tỷ giá trồi sụt nhưng vẫn giữ ổn định nhờ thặng dư xuất khẩu cao, thị trường ngoại hối ổn định. Yếu tố lạm phát suy giảm.
Những năm qua, vĩ mô Việt Nam tương đối ổn định, nhưng còn nhiều vấn đề. Tổng cầu nền kinh tế có sự đứt gãy, lạm phát do chi phí đẩy, nguyên vật liệu thiếu để làm dự án lớn...
Từ đó, các yếu tố này đẩy nền kinh tế vào thái cực ngân hàng dư tiền, người dân gửi tiền vào ngân hàng là chủ yếu, tổng vốn đầu tư vào một doanh nghiệp giảm, lòng tin của nhà đầu tư với thị trường chưa được phục hồi, chính sách tiếp cận nguồn tín dụng còn nhiều khó khăn.
Nhận định về kinh tế thực, ông Võ Trí Thành cho biết những năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2023, chế biến chế tạo không còn là động lực tăng trưởng. Biểu hiện rõ nhất từ xuất nhập khẩu giảm, đặc biệt là xuất khẩu, nhập khẩu giảm cũng là một nỗi lo dù đạt thặng dư gần 30 tỷ USD.
Trong nhập khẩu, 40% là thiết bị máy móc, 30-35% là hàng trung gian, một phần nhỏ là hàng tiêu dùng. Đơn hàng, thị trường eo hẹp và vẫn có thể tiếp tục điều này trong năm nay. Đơn hàng dù đã đỡ hơn nhưng còn nhiều bấp bênh nếu nhìn vào chỉ số PMI thì chỉ có 2 tháng duy nhất trên 50 trong năm 2023.
Điểm sáng năm 2023 là đầu tư công. Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, năm 2023 đã giải ngân được 95% kế hoạch.
Sản xuất nông nghiệp cũng là điểm sáng của kinh tế, ngoại trừ thủy sản. Tuy nhiên, tốc độ tăng tiêu dùng bán lẻ giảm, đầu năm tốc độ tăng tiêu dùng trên 10%, nhưng cuối năm chỉ tăng 7% nhờ vào 12,6 triệu khách du lịch nước ngoài. Tiêu dùng dù vẫn là trụ đỡ nhưng bắt đầu giảm.
Đề xuất loạt giải pháp để kinh tế phục hồi
Ông Võ Trí Thành cho biết về mặt chính sách, năm 2023, 2024 có 3 nhóm chính sách cơ bản. Thứ nhất là ứng xử với chính sách tiền tệ với hệ thống tài chính ngân hàng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Thị trường bất động sản đã bắt đầu rục rịch dù còn chậm, thông qua các nhóm giải pháp, tái cấu trúc tập đoàn lớn, pháp lý, hỗ trợ tài chính tiền tệ.
Nhóm chính sách thứ 2 là kích cầu, từ tiêu dùng, cấp thị thực (visa), hút khách, chính sách hỗ trợ người lao động, thu hút đầu tư trong nước bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Điểm kích cầu nữa là xuất khẩu thương mại, Việt Nam sắp tới ký kết nhiều hiệp định, đàm phán với một số quốc gia để có lợi thế thương mại.
Về tinh thần, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được tiếp tục duy trì như giảm thuế, khoanh nợ, không chuyển nhóm nợ, giữ mặt bằng lãi suất thấp.
Thủ tướng nhấn mạnh câu chuyện làm mới cái cũ, cái vốn có nhưng phải tận dụng cơ hội mới. Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy kinh tế mới sang tuần hoàn, kinh tế số. Việt Nam sẽ hoàn thành 63 quy hoạch trong đó có Hà Nội, TPHCM…
Cùng với đó, Việt Nam cũng chuẩn bị, có chiến lược thu hút đại bàng tới Việt Nam, trên các lĩnh vực công nghệ, chip bán dẫn…
Theo ông Thành, chính sách vẫn phải ứng phó với khó khăn, vượt khó. Chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn, lo chính sách dài hạn và sớm có hành động, để bớt đi những nỗi nhọc nhằn của ngắn hạn và trước mắt.
Ông Trần Anh Tuấn thì cho rằng Việt Nam cần giải quyết vấn đề về thủ tục đầu tư. Dòng tiền đưa vào nền kinh tế chậm dù đã có cải thiện. Hiện, một thủ tục nhanh, những dự án nhỏ thời gian làm thủ tục thông thường gấp đôi thời gian triển khai thực hiện, xây dựng.
Điều này dẫn đến độ trễ lớn, không tác động ngay lập tức đến nền kinh tế. Kích cầu làm nhiều biện pháp, từ chính sách tiền tệ đến tài khóa, có nhiều chương trình phục hồi kinh tế được triển khai từ năm 2021 nhưng còn chậm.
Ông Tuấn cho rằng cơ chế chính sách đầu tư cần được rút gọn về trình tự đầu tư. Nếu quá thận trọng đến mức tự kiềm chế sẽ khó có sự đột phá trong kích cầu tiêu dùng sản xuất, kích cầu sản xuất, xuất khẩu.