TS Trần Du Lịch: Tư duy “kinh tế vùng” thay tư duy “kinh tế tỉnh”

(Dân trí) - Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, để phát huy tiềm năng thực sự của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế Vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Đổi mới mang tính đột phá về… tư duy 

Chia sẻ tại diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" vừa được tổ chức tại TPHCM, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TPHCM và 7 tỉnh : Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước; Bà Rịa-Vũng Tàu; Tây Ninh, Long An và Tiền Giang.

TS Trần Du Lịch: Tư duy “kinh tế vùng” thay tư duy “kinh tế tỉnh” - 1
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, để phát huy tiềm năng thực sự của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần có sự đổi mới mang tình đột phá về tư duy “phát triển kinh tế Vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh”.

Để phát huy tiềm năng thực sự của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TS Trần Du Lịch đề xuất, cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế Vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Khi lập quy hoạch Vùng theo Luật quy hoạch cần lồng ghép chính  sách phát triển Vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch.

Ông Lịch cũng đề nghị cho thí điểm cơ chế tự chủ ngân sách 4 địa phương: TPHCM; Bình Dương; Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu. Việc tự chủ ngân sách của các địa phương cần thực hiện theo cơ chế: Giảm bớt phần lồng ghép ngân sách nhà nước giữa TW và địa phương; ổn định tỷ lệ phân chia ngân sách giữa TW và địa phương theo Luật ngân sách trong 5 năm. Cơ chế này kèm theo cơ chế tăng trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân và tính công khai minh bạch về ngân sách.

TS Trần Du Lịch: Tư duy “kinh tế vùng” thay tư duy “kinh tế tỉnh” - 2
Theo ông Nguyễn Hồng Long, thời gian qua, một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém, thua lỗ, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước.

Ngoài ra, cần xem việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng là tiền đề của liên kết phát triển Vùng và điều kiện để xây dựng các đô thị mới. Cần tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông Vùng đã được quy hoạch đến năm 2020 và 2030.

“Cần lập quỹ đầu tư giao thông Vùng từ các nguồn: Ngân sách TW cấp, ngân sách địa phương đóng góp; nguồn thu từ đất đô thị hóa do hệ thống giao thông tạo ra; nguồn tín dụng ưu đãi… Có Hội đồng quản lý quỹ đầu tư hạ tầng giao thông Vùng với sự tham gia của  các chính quyền địa phương trong Vùng”, TS. Trần Du lịch nói.

Nhiều doanh nghiệp không biết về Nghị quyết 35 là gì?!

Cũng chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Long, Phó ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp cho hay, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

TS Trần Du Lịch: Tư duy “kinh tế vùng” thay tư duy “kinh tế tỉnh” - 3
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong vùng cần tập trung tiếp tục hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Long, thời gian qua, một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém, thua lỗ, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước. Đó là chưa kể, việc cơ cấu lại các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, các dự án doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả ở nhiều nơi còn chậm nên hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Ông Long cho rằng, để khắc phục các hạn chế của doanh nghiệp nhà nước thì cần phải đổi mới, tái cơ cấu để đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, mục tiêu trong thời gian tới nhà nước sẽ tách nhiệm vụ công ích ra khỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị để đảm bảo doanh nghiệp nhà nước là công cụ để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân cùng phát triển.

Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân, ông Long cho rằng khối doanh nghiệp này còn một số tồn tại. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp không biết về Nghị quyết 35 là gì. Trong khi đó, Nghị quyết này có quy định cho phép doanh nghiệp được quyền tiếp cận các nguồn lực vốn, con người, tài nguyên…

Không chỉ vậy, doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được các nguồn lực và việc đào tạo nhân lực chủ yếu là thụ động theo các hiệp hội, doanh nghiệp đào tạo.

Liên quan tới việc phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong vùng cần tập trung tiếp tục hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

TS Trần Du Lịch: Tư duy “kinh tế vùng” thay tư duy “kinh tế tỉnh” - 4
Ông Nguyễn Hồng Long nhận định, nhiều doanh nghiệp tư nhân không biết về Nghị quyết 35 là gì.

Ông Liêm cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, phát triển hệ thống logistics trong vùng, kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng. Về mặt giáo dục – đào tạo, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao để mở rộng thị trường, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế

“Cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao để mở rộng thị trường, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Đảm bảo nguồn cung lao động chất lượng. Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói.

Quế Sơn