TS Lê Xuân Bá: "Dám đổi mới, biến đổi khí hậu không có gì ghê gớm cả!"
(Dân trí) - "Hiện nay có hai quan điểm rất lo lắng về biến đổi khí hậu và không nên lo lắng. Cái lo lắng dễ hiểu rồi, còn không nên lo lắng thì cũng có lý. Nếu chúng ta sợ và không biết làm gì cả thì rất lo, còn nếu dám thay đổi, có đổi mới sáng tạo thì những tiêu cực của biển đổi khí hậu không có gì ghê gớm cả".
Đây là nhận định của TS Lê Xuân Bá, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam trong trung hạn và một số ảnh hưởng của môi trường" vừa được tổ chức sáng nay 18/11 tại Hà Nội.
Theo TS Bá, hiện nay, có nhiều tranh luận về lo sợ trước biến đổi khí hậu sẽ khiến chúng ta mất vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, sa mạc hóa nhiều tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên... "Nếu chúng ta cứ để thế thì thực sự đáng lo thật. Tuy nhiên, nếu chúng ta thay đổi để có đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ, thay đổi sản phẩm, cây con thì tiêu cực từ biến đổi khí hậu không có gì ghê gớm cả", ông nói.
"Nước biển dâng là cơ hội nuôi tôm sạch làm cái gì lợi hơn là cho trồng lúa phụ thuộc vào năng lực dự báo dự đoán của khí tượng, nếu dám thay đổi và ứng dụng KHCN thì chúng ta sẽ chuyển bất lợi thành có lợi", ông Bá nhấn mạnh.
Vị chuyên gia chia sẻ tiếp: Cả WB và các nhà khoa học đều cảnh báo xâm ngập mặn, nước biển dâng sẽ có tác động lớn đến ĐBSCL và vựa lúa lớn nhất cả nước. Nhưng hiện nay, chúng ta thay đổi từ tư duy đến hành động khá chậm.
"Sao cứ bắt người nông dân phải trồng lúa trong khi hạt gạo trên thị trường hiện cạnh tranh rất khó với nước ngoài, giá trị gia tăng sản xuất thấp. Nghiên cứu giống mới trong lúa gạo, cây, con mới để thay những vùng đất ngập nước là chưa có", ông bày tỏ quan điểm.
Việc các hệ thống thủy điện trên dòng chính của Sông Mê Kông đe dọa ngập mặn xảy ra liên tục ở ĐBSCL điều này cần được nghiên cứu chủ động, đưa ra cách tính toán, không nên để người nông dân chịu thiệt. Hiện tượng trái đất nóng lên dự đoán tác động thường xuyên trong 15 - 20 năm nữa, chúng ta còn có thời gian chuẩn bị, nhưng nay tác động của hoạt động đập, hồ thủy điện của con người, đi trước khi tự nhiên.
Ông Bá nhấn mạnh: "Thiên tai hiện nay được đánh giá là rất lớn, song nhân tai không nhỏ. Đừng để người ta hiểu rằng chỉ tại ông trời hết".
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thảm họa tràn dầu ở Mỹ đã khiến nước này phải bỏ rất nhiều tiền để khắc phục, nhưng lấy lại hệ sinh thái sẽ mất rất nhiều công sức và thời gian. Chúng ta có một Formosa, tác hại rất lớn, song chừng ấy là chưa thống kê hết. Phải thay đổi tư duy đi đừng bám vào thiên nhiên, khai thác thiên nhiên mà không tính đến bảo vệ nó. Chỉ cần một vụ như Formosa thôi, không chỉ sinh kế của hàng triệu người tác động, mà còn rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng.
Cũng chia sẻ về phát triển trung hạn Việt Nam trước thách thức từ môi trường, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho hay: "Quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào vẫn tăng trưởng nhưng bảo vệ được môi trường. Tôi phản đối tiếp tục xây dựng các dự án thép, xi măng, lọc dầu và hóa chất…"
"Chừng nào tôi còn được phát biểu, chừng đó tôi kịch liệt phản đối các dự án sắt thép, chúng ta đang nói đến cánh theo hướng hiện đại thì phải thay đổi tư duy phát triển, một sự cố đã gặp như Formosa là đã quá đủ rồi. ", GS Mại nói.
Còn về xi măng, theo ông Mại, hiện Việt Nam đã dư thừa công suất, các nhà máy phần nhiều là lò đứng lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Nếu tiếp tục phát triển dự án nhỏ lẻ, chẳng bao lâu chúng ta sẽ khai thác cạn kiệt đá vôi, hình dung Kiên Giang sẽ chẳng còn những ngọn núi đá vôi nào cả.
Lọc dầu thì chúng ta khôg dại gì ta trở thành nước nhập khẩu dầu thô để xuất dầu tinh vì giá trị gia tăng chỉ 10% phụ thuộc công nghệ, đất đai và không thể cạnh tranh được với nước ngoài...
Ông Mại cho hay, chúng ta hay nói tăng trưởng xanh, nhưng để tăng trưởng xanh thì đầu tư là rất quan trọng. Hướng đến tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường là phải từ tư duy phát triển đến hành động và thước đo. Chúng ta thu hút FDI đến mức chịu thiệt hại về tài nguyên năng lượng, thiên nhiên mà không đưa ra quy định khắt khe về tăng trưởng xanh. Điều này là bất hợp lý.
"Một ví dụ là năng lượng và nước sạch liên quan mật thiết với nhau. Việt Nam thì mới chỉ làm nước sạch chưa xử lý được nước thải, hay nói cách khác: giải quyết tận gốc nước thải, chất thải công nghiệp. Không xử lý được nước thải thì không bao giờ giải quyết được vấn đề môi trường", ông Mại nói.
Nguyễn Tuyền