Trung tâm Đổi mới Sáng tạo mở của Hòa Bình: Không chỉ có R&D truyền thống

Trường Thịnh

(Dân trí) - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, trung tâm Đổi mới Sáng tạo mở của doanh nghiệp sẽ chuyển dịch từ mô hình R&D - nghiên cứu và phát triển truyền thống - sang mô hình C&D - Kết nối và phát triển, phục vụ chung cho nhiều doanh nghiệp.

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo mở của Hòa Bình: Không chỉ có RD truyền thống - 1
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Ảnh: Hòa Bình).

Năm 2021, Hòa Bình vượt đối thủ cạnh tranh và vươn lên thành doanh nghiệp xây dựng có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán. Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình (HBIC) chính là nỗ lực của tập đoàn xây dựng 35 năm tuổi, trong việc thực hiện mục tiêu tiếp theo - trở thành một tập đoàn đa quốc gia với doanh thu 20 tỷ đô trong năm 2032.

"Hòa Bình đang tìm kiếm nguồn gen mới cho sự phát triển tiếp theo, vươn ra thị trường thế giới duy trì năng lực cạnh tranh bền vững", ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm Đổi mới Sáng tạo (ĐMST) Hòa Bình (HBIC), chia sẻ của bên lề diễn đàn "Cách tân công nghiệp - Industry Innovation Forum 2022".

"Tôi quyết định phải đầu tư một trung tâm đổi mới sáng tạo, một trung tâm nghiên cứu phát triển để có thể đưa ra những phát minh, những sáng chế giúp cho ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đi đầu", ông nói thêm.

Nhu cầu cấp thiết cần đổi mới

Ông Hải từng chia sẻ doanh thu Hòa Bình trong 30 năm (1988-2018) cứ 5 năm tăng 5 lần, buộc doanh nghiệp phải luôn luôn và liên tục thay đổi. Trong đó, tập đoàn thực hiện nhiều cuộc cách mạng về công nghệ, kỹ thuật xây dựng hay hình thức và mô hình hoạt động.

"Vì có sự chuẩn bị nền tảng công nghệ, số hóa như thế nên chúng tôi đã phát triển rất nhanh. Ngay cả trong đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng tôi vẫn có thể hoạt động, vận hành được các dự án, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho công ty", ông chia sẻ.

Ông Hải thừa nhận đặc điểm của ngành xây dựng Việt Nam có tính truyền thống cao, hệ sinh thái và chuỗi cung ứng của những vật liệu đã duy trì trong thời gian dài. Tuy nhiên, ông cho rằng, ngành xây dựng nước nhà đang phải đối mặt với mối nguy tương tự những nước phát triển ngay lúc này là thiếu nhân công chất lượng cao cùng chi phí vận hành ngày càng tăng.

"Chỉ có những phát minh sáng chế, những đột phá về công nghệ mới giúp cho hàng hóa của Việt Nam có những tính chất vượt trội để cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường thế giới", ông Hải cho biết.

Từng làm việc với nhiều tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Australia, ông Hải cũng nhận ra năng lực tổng thầu của Việt Nam không thua kém các nhà thầu tại các nước phát triển ở một số loại công trình như công trình nhà ở cao tầng hay công trình hầm. Đây cũng là lý do, ông Hải cũng như Tập đoàn Hòa Bình quyết định đầu tư mạnh tay cho phát triển khoa học và công nghệ ngành xây dựng tại Việt Nam.

"Chúng ta luôn áp dụng rất nhanh những công nghệ mới nhất. Tôi nhận ra năng lực sáng tạo của người Việt Nam rất cao. Chúng ta đi sau nhiều nước nhưng chúng ta đã bắt kịp rất nhanh. Tôi nghĩ việc xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo là cách tốt nhất tạo ra môi trường thuận lợi để phát huy năng lực sáng tạo của người Việt Nam. Môi trường đó là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở", ông Hải nói.

Mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo mở

Tại diễn đàn diễn ra ngày 20/9 vừa qua, ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I chia sẻ rằng Chính phủ không nên tự mình đầu tư toàn bộ cho cơ sở hạ tầng nhà máy thông minh, vì sẽ thiếu tính linh hoạt và giảm hiệu quả của doanh nghiệp. Thay vào đó, ông cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ cho các tập đoàn kinh tế lớn hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm toàn cầu, để xây dựng và vận hành các trung tâm nghiên cứu, triển khai công nghệ.

Hòa Bình là một trong những tập đoàn tiên phong trong việc tạo dựng những cơ sở công nghệ lớn khi năm 2021 tuyên bố thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình rộng 2,5 ha tại Khu công nghệ cao thuộc quận 9, TPHCM. Theo chia sẻ của ông Lê Viết Hải, HBIC sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo mở, chuyển dịch từ mô hình R&D (research and development) - nghiên cứu và phát triển truyền thống - sang mô hình C&D (connect and development) - kết nối và phát triển.

Theo ông Hải, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình (HBIC) không chỉ dành riêng cho Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, mà chào đón sự tham gia của các tập đoàn - các doanh nghiệp lớn và cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp, các cá nhân sáng chế, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp bao gồm cả các quỹ đầu tư. Vị chủ tịch cho biết HBIC sẽ chú trọng đầu tư kết nối các đơn vị công nghiệp phụ trợ đến nhà máy và công ty khởi nghiệp phần cứng, nhằm gia tăng giá trị cộng thêm, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

"Chúng tôi muốn tạo ra sự kết nối, tạo ra hệ sinh thái để mọi người cùng phát triển", ông chia sẻ bên lề diễn đàn Cách tân công nghiệp. "Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp khỏe mạnh thì nền kinh tế của Việt Nam mới phát triển bền vững và tạo được thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế".