Trung Quốc xây chui nhà máy nghiên cứu hạt nhân, dân biểu tình phản đối
(Dân trí) - Viện nghiên cứu đứng sau dự án xây nhà máy nghiên cứu hạt nhân đã không chính thức công bố kế hoạch của họ khi việc xây dựng đã bắt đầu chỉ 1 ngày trước khi thời gian tham vấn người dân kết thúc.
Do đó, hàng chục người dân tại Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối kế hoạch xây dựng viện nghiên cứu hạt nhân gần nhà họ.
Những người dân này cho biết họ lo ngại các chất phóng xạ được sử dụng tại viện nghiên cứu này sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mình.
Theo tờ South China Morning Post, Viện nghiên cứu số 230, một chi nhánh của Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc, đã nhận được một miếng đất rộng hơn 20.000 mét vuông gần khu vực đông dân cư để xây dựng văn phòng và phòng thí nghiệm nhằm thăm dò uranium.
Mặc dù cơ sở này không có ý định xử lý uranium tinh chế, và các nhà khoa học nói rằng chất này nếu chưa qua xử lý thì sẽ không phát ra mức độ phóng xạ có hại, nhưng cư dân sống gần khu vực này đã bày tỏ lo ngại về những rủi ro sức khỏe có thể xảy ra và đã kêu gọi ngừng xây dựng viện nghiên cứu này.
Mối lo ngại của người dân càng dâng cao khi những đánh giá về các mối nguy hiểm của tia X quang không được thực hiện và quyết định công bố kế hoạch xây dựng nhà máy này được đưa ra một ngày trước khi thời gian tham vấn người dân kết thúc.
Wu Xiaosha, một trong những người dân biểu tình phản đối cho biết, mọi người đều tức giận vì dự án đã được xây dựng mà không được phê duyệt.
“Hơn nữa, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã nói dối về dân số trong khu vực khi nói chỉ có 40.000 người sống tại đây nhưng thực tế là gần 250.000 người”, Wu nói.
Ông Yang Wenqiang, một quan chức của Cục Quy hoạch Trường Sa đã từ chối bình luận về vấn đề này, chỉ nói rằng chính quyền đang tổ chức một cuộc họp khẩn cấp và sẽ đưa ra một tuyên bố sau đó.
Trong một lá thư công khai, Luo Zheng, phó phụ trách tiểu khu Xueshi, cho biết ông không biết dự án này định làm gì và đã yêu cầu viện giải thích con số ước tính dân số bịa đặt kia.
“Viện này định làm gì và tại sao nó phải được xây dựng ở đây, tôi cũng rất tò mò”, ông Luo nói.
Ông nói thêm rằng ông sẽ đến thăm các tổ chức liên quan để xem cách họ vận hành và đánh giá rủi ro.
Những lo ngại về môi trường đã khiến biểu tình ngày càng tăng ở Trung Quốc trong những năm gần đây khi nhận thức của công chúng về những rủi ro sức khỏe tăng lên.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc báo cáo rằng, một nửa các cuộc biểu tình tại Trung Quốc với hơn 10.000 người tham gia từ năm 2001 - 2013 đều là vì những lo ngại về ô nhiễm môi trường.
Hồng Vân
Theo South China Morning Post