Trung Quốc thổi bùng căng thẳng Biển Đông hòng che đậy bất ổn kinh tế?

(Dân trí) - Những động thái gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc thời gian qua không chỉ nhằm kích động động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, mà còn nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước khỏi các vấn đề kinh tế, như tăng trưởng chậm, nợ công cao bằng 300% GDP.

Đây là nhận định của tờ Business Insider tại Mỹ. Theo đó, giới chức Bắc Kinh đang tỏ ra đặc biệt hung hăng trong các tranh chấp trên Biển Đông, cũng như các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải khác với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản.

Đây được xem như một trong những trò chơi chính trị nguy hiểm nhất thế giới.

Trung Quốc thổi bùng căng thẳng Biển Đông hòng che đậy bất ổn kinh tế?
Trung Quốc đang không ngừng đẩy mạnh hoạt động xây dựng trái phép tại các đảo, bãi đá trên Biển Đông (Ảnh: Philstar)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Đại gia Trung Quốc đãi 4.500 nhân viên đi du lịch Hà Lan

* Chính thức chuyển VTC về VOV

* Không thể để độc quyền sau khi xã hội hóa cảng hàng không

* Mỹ điều tra một loạt ngân hàng lớn liên quan tới vụ bê bối của FIFA

* Hà Nội: “Xót ruột” nhìn hàng nghìn xe máy biến thành sắt vụn

* Bộ Nông nghiệp chưa cấp phép nhập quả thanh mai

Trong vòng 1 năm qua, Trung Quốc đã không ngừng xây các đảo nhân tạo trên các bãi đá tại Biển Đông, bồi đắp trái phép hơn 800ha. Hồi tháng 4, hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Trung Quốc đã xây dựng một đường bằng đủ lớn để đón các máy bay quân sự.

Không những vậy, các quan chức chính phủ không ngần ngại lớn tiếng tuyên bố quyền cải tạo các đảo trong khu vực quần đảo Trường Sa và các bãi đá, với cái cớ là dựa trên bằng chứng lịch sử.

Tờ Thời báo Hoàn cầu, trực thuộc Nhân dân nhật báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, thậm chí còn tuyên bố, bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ hòng ngăn cản Trung Quốc xây dựng trên khu vực Biển Đông thì kết cục không thể tránh khỏi sẽ là chiến tranh.

“Nếu mục tiêu cuối cùng của Mỹ đó là Trung Quốc phải ngừng các hoạt động của mình, thì chiến tranh Mỹ - Trung trên Biển Đông là không thể tránh khỏi”, tờ báo viết. “Cường độ của cuộc xung đột sẽ lớn hơn nhiều những gì người ta thường nghĩ tới về một vụ va chạm”.

“Quan điểm dân tộc chủ nghĩa này không nghi ngờ gì chính là phản ứng trước nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc”, tác giả Linette Lopez khẳng định trong bài viết trên tờ Business Insider.

Giới chức Trung Quốc đề nghị người dân chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế mới, thấp hơn (Ảnh: AFP)
Giới chức Trung Quốc đề nghị người dân chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế mới, thấp hơn (Ảnh: AFP)

Tăng trưởng và sự trỗi dậy từ lâu đã trở thành đặc trưng của Trung Quốc hiện đại. Vậy nhưng chính phủ nước này đang đề nghị người dân chấp nhận “một mức bình thường mới” của tăng trưởng, khi nền kinh tế đang giảm tốc, nợ công cao ngất ngưởng tương đương gần 300% GDP, các công ty xây dựng và bất động sản vỡ nợ, còn tín dụng trong nền kinh tế “khô cạn”.

Nhưng để duy trì tư tưởng dân tộc chủ nghĩa sôi sục trong nước, giới chức Bắc Kinh đã dựa vào vấn đề Biển Đông.

Mới đây, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hoạt động cải tạo các hòn đảo, bãi đá trên Biển Đông cũng như hành động vi phạm “các chuẩn mực và luật pháp quốc tế vốn đang làm tổn hại tới cấu trúc an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương, và những đồng thuận trong khu vực về sử dụng biện pháp ngoại giao, phản đối sự ép buộc”.

Vậy nhưng lời kêu gọi trên hoàn toàn bị Bắc Kinh phớt lờ.

“Hoạt động xây dựng trên Biển Đông của Trung Quốc nằm trong quyền chủ quyền của Trung Quốc và các hoạt động này là hợp pháp, hợp lý và phù hợp”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố sau khi ông Carter đưa ra bình luận tại Đối thoại Shangri-La.

Tất nhiên, nhiều quốc gia cụ thể không chấp nhận điều này, nhất là đồng minh của Mỹ là Nhật Bản.

Trong nhiều năm tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ, các lãnh đạo thế giới đã chỉ ra rằng, đe dọa lớn nhất tới ổn định toàn cầu không phải Iraq, các phiến quân Hồi giáo IS, Iran hay bất kỳ vấn đề nào khác. Mối đe dọa đáng sợ nhất là một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại Biển Đông. Một cuộc xung đột có thể bị thổi bùng do hành động bất cẩn từ bất kỳ bên nào.

Thế nhưng giờ đây, để giữ thể diện với người dân trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, chính phủ Trung Quốc đang tỏ ra bất cẩn ở mọi nơi. Các học giả, phóng viên và chính trị gia của họ đều đang biến khu vực này trở thành một vấn đề mang tính tự hào lịch sử, bất kể các bằng chứng lịch sử chứng minh cho tuyên bố của nước mình có tồn tại hay không.

Bắc Kinh và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) không có vẻ gì tin rằng chính quyền Obama sẽ hành động để ngăn chặn.

“Một thành viên của PLA đã hỏi tôi rằng nếu bà Hillary Clinton được bầu làm Tổng thống, thì liệu trong vòng 18 tháng sau đó, bà ấy có cứng rắn hơn nhiều so với chính quyền hiện tại không”, Bonnie Glaser, một chuyên gia châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) chia sẻ trên trang Bloomberg.

“Tôi nói rằng “câu hỏi của ông phải là liệu trong vòng 18 tháng tới ông có đủ không gian để làm bất kỳ những gì mình muốn hay không”, và ông ta chỉ cười”, chuyên gia này cho biết.

Thanh Tùng
Theo Business Insider

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”