1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế

(Dân trí) - Chính phủ Trung Quốc sẽ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm nay, thấp nhất kể từ năm 2004. Trong khi đó lạm phát tiếp tục được kỳ vọng kiềm chế ở mức 4%, tương đương năm ngoái.

Đây chính là nội dung bài phát biểu của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trước Quốc vụ viện trong buổi họp thường niên tại Bắc Kinh ngày 4/3. Với động thái này dường như chính phủ Trung Quốc đang cho thấy quyết tâm chuyển hướng nền kinh tế từ dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang tiêu dùng nội địa. Trước đó suốt từ 2005 đến 2011, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của quốc gia này luôn là 8%.

Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng thấp hơn trong năm 2012

Việc đặt mục tiêu thấp hơn “sẽ giúp giảm bớt khả năng tung ra gói kích thích kinh tế bởi các nhà chức trách cho thấy họ hiểu rằng tiềm năng tăng trưởng đang giảm sút”, Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng của Nomura Holdings Plc tại Hong Kong phát biểu trên Bloomberg. “Trong dài hạn, nó sẽ giúp giảm rủi ro vĩ mô tại Trung Quốc và khiến tăng trưởng kinh tế bền vững hơn”.

Cùng với việc hạ thấp mục tiêu tăng trưởng, chính phủ Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tài khóa “năng động” và chính sách tiền tệ “thận trọng”. Thâm hụt ngân sách được dự kiến ở mức 800 tỉ nhân dân tệ (127 tỉ USD), tương đương 1,5% GDP và giảm 0,5 điểm % so với kế hoạch năm 2011. Trong tháng 2, NHTW nước này đã hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong vòng 3 tháng để kích thích hoạt động cho vay nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Dù vậy các mục tiêu nêu trên chỉ mang tính tham khảo bởi trong nhiều năm qua tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc luôn vượt kế hoạch. Trong năm 2011, GDP của nước này tăng trưởng 9,2%. Một năm trước đó, tốc độ này đạt tới hơn 10%. Chỉ số giá tiêu dùng năm qua cũng leo thang lên mức 5,4%, vượt xa kế hoạch 4%.

Mối quan tâm hàng đầu mà chính phủ của thủ tưởng Ôn Gia Bảo đặt ra hiện nay chính là chuyển hướng nền kinh tế sang một mô hình tăng trưởng cân bằng hơn. Thời gian qua, việc lệ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu đã khiến kinh tế nước này chịu nhiều sức ép khi lạm phát tăng còn sản xuất sụt giảm vì khủng hoảng kinh tế tại châu Âu. Trong tháng 1 vừa qua, xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm 0,5% và là tháng giảm đầu tiên trong vòng hơn 2 năm qua.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg