Trung Quốc đang đóng góp lớn cho "quả bom" nợ công toàn cầu

(Dân trí) - Chi phí đi vay giá rẻ đã đưa mức nợ toàn cầu đến một ngưỡng kỷ lục mới và các lựa chọn để vực dậy nền kinh tế đòi hỏi những quốc gia trên thế giới phải vay nợ nhiều hơn. Trung Quốc ngày càng đóng góp lớn cho những khoản nợ nần này.

Trung Quốc đang đóng góp lớn cho quả bom nợ công toàn cầu - 1
Nợ công là bài toán nan giải đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới

Các công ty Zombie ở Trung Quốc xuất hiện ngày một nhiều. Lo ngại về số người thất nghiệp và các khoản nợ, chính phủ và ngân hàng Trung Quốc tiếp tục đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính để giúp các công ty làm ăn trì trệ - hay còn được gọi là doanh nghiệp Zombie – tiếp tục thoi thóp. Người ta hy vọng chúng sẽ trở nên vững mạnh khi tăng trưởng được phục hồi.

Không chỉ Trung Quốc, những khoản nợ sinh viên làm tê liệt những gia đình ở Mỹ, mức thế chấp cao ngất trời đe dọa nền tài chính tại Úc. Tất cả dường như đều đang bị mắc kẹt trong những giải pháp tài chính mà do chính họ tạo ra để giải quyết nợ nhưng rồi lại nợ.

Một thập kỷ kiếm tiền dễ dàng đã dần rời xa và để lại một di sản mang tên “khoản nợ” ở mức kỷ lục 250 nghìn tỷ USD cho chính phủ, doanh nghiệp và các hộ gia đình trên toàn thế giới. Số đó đã gần gấp ba lần sản lượng kinh tế toàn cầu và trung bình mỗi người dân trên thế giới đang mắc nợ khoảng 32.500 USD.

Vào năm 1999, tổng mức nợ toàn cầu là 83,9 nghìn tỷ USD, sau 10 năm đến 2009, mức nợ này chỉ tăng nhẹ lên 1,8% (lên 85,4 nghìn tỷ USD), nhưng đến 2014 nó đã tăng lên 101 nghìn tỷ USD và năm 2019, con số này đã là 250 nghìn tỷ USD.

Phần lớn khoản nợ khổng lồ đó bắt nguồn từ các nhà hoạch định chính sách, những nỗ lực cố tình sử dụng vốn vay để giữ cho nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Lãi suất mà các nhà hoạch định kinh tế đưa ra trong những năm tiếp theo đó có vẻ như đã kiểm soát được hầu hết những cuộc khủng hoảng và suy thoái, nhưng lại khiến cho núi nợ tiếp tục tăng.

Và giờ, khi các nhà hoạch định chính sách vật lộn với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong một thập kỉ, một loạt các lựa chọn về cách vực dậy nền kinh tế của họ lại có chung một điểm, đó là: vay nợ nhiều hơn. Từ những thỏa thuận mới đến lý thuyết tiền tệ hiện đại, những người ủng hộ chi tiêu thâm hụt cho rằng chi tiêu tài chính khổng lồ là điều cần thiết để giúp đỡ các công ty và các hộ gia đình.

Đối với phe diều hâu tài chính (đây là trường phái bao gồm những quan chức chú ý nhiều hơn vào nguy cơ lạm phát và ủng hộ chính sách tiền tệ thắt chặt hơn với lãi suất cao, cùng chính sách tín dụng chặt chẽ), họ cho rằng những đề xuất như vậy sẽ chỉ gieo hạt giống cho nhiều rắc rối hơn. Nhưng dường như những phản đối của họ đều không có hiệu quả, thế giới vẫn nghiêng về chính sách vay nợ nhiều hơn để giải quyết những vấn đề kinh tế mà họ đang mắc phải.

Các chủ ngân hàng Trung ương và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, từ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều đã kêu gọi các chính phủ nên vay nợ nhiều hơn, họ cho rằng đây là thời điểm tốt để vay cho các dự án mà dự kiến trong tương lai nó sẽ mang về những lợi ích kinh tế.

Mark Sobel, cựu quan chức của Bộ Tài chính và Quỹ Tiền tệ Quốc tế Mỹ cho biết, với mức lãi suất cho vay thấp hơn cùng sự linh hoạt trên thị trường, các quốc gia có nền kinh tế tiến tiến trên thế giới hoàn toàn có khả năng chịu được mức nợ cao hơn.

Tuy nhiên, một hạn chế đối với các nhà hoạch định chính sách là các khoản vay tín dụng hiện đang gây căng thẳng trên toàn cầu.

Hiện nay, chính phủ mới đắc cử của Argentina đã hứa sẽ đàm phán lại khoản tín dụng kỷ lục 56 tỷ USD với IMF, điều này đã khơi dậy những ký ức về sự sụp đổ kinh tế của quốc gia và vỡ nợ vào năm 2001. Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và các nước khác cũng đã có những lo ngại như trên.

Đối với nợ doanh nghiệp, riêng các công ty Mỹ đã chiếm khoảng 70% trong tổng số các khoản nợ xấu. Và tại Trung Quốc, các công ty vỡ nợ ở thị trường nội địa có khả năng sẽ tăng cao hơn vào năm tới, theo thống kê của S & P Global.

Đối với các hộ gia đình, Úc và Hàn Quốc là hai quốc gia xếp hạng cao nhất trong số những nước đang mắc nợ.

Ở Mỹ, sinh viên hiện đang nợ 1,5 nghìn tỷ USD và đang vật lộn để có thể trả hết được số nợ đó.

Ngay cả khi chi phí vay nợ rẻ hơn thì các quốc gia vẫn khó có thể thoát nợ khi họ đã vay quá nhiều. Mặc dù tăng trưởng kinh tế vững chắc là lối thoát dễ dàng nhất, nhưng chưa chắc điều đó sẽ xảy ra trong tương lai gần. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách phải điều hướng số dư và thực hiện các chính sách đàn áp tài chính, chẳng hạn như những người tiết kiệm tiền sẽ trợ cấp cho những người vay tiền, hoặc xóa nợ.

Các biện pháp tăng trưởng kinh tế

Các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đang cố gắng đưa ra các biện pháp với hy vọng về một kết quả tốt hơn cho nền kinh tế thế giới.

Để thúc đẩy sự phục hồi của Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang đã hạ lãi suất ba lần trong năm nay. Nhật Bản đang cân nhắc chi tiêu mới trong khi chính sách tiền tệ vẫn cực kỳ dễ dàng. Và tại Anh, cả hai Đảng lớn đã hứa sẽ quay trở lại mức chi tiêu công khổng lồ, giống như những năm 1970.

Hiện tại, Trung Quốc đang triển khai đường lối này khi họ cố gắng che giấu các khoản nợ, họ thực hiện một đợt tiêm thanh khoản nhỏ giọt thay vì thực hiện tất cả các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Về mặt tài chính, Trung Quốc đã cắt giảm thuế và đưa ra hạn ngạch bán trái phiếu kỳ hạn, thay vì sử dụng các trái phiếu giống như trong các chu kỳ trước đây.

Tuy nhiên các nhà đầu tư toàn cầu lại hạn chế rủi ro bằng cách ít đầu tư vào các trái phiểu này bởi trước khi tung ra thị trường, những trái phiếu này thường được quảng bá với mức lợi nhuận hấp dẫn nhưng thực tế cho thấy rằng, có khoảng 12 nghìn tỷ USD trái phiếu có lợi suất âm.

IMF trong tháng 10 cho biết mức lợi suất trái phiếu thấp hơn đã khiến cho các nhà đầu tư như các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí, đầu tư vào các chứng khoán rủi ro cao hơn và tính thanh khoản thấp hơn để tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn.

Thực tế nêu trên đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi chính phủ các nước cũng như cộng đồng quốc tế cần cấp bách khống chế và giải quyết nợ. Những khối nợ công của các nền kinh tế lớn một khi vượt khỏi tầm kiểm soát, sẽ trở thành những “trái bom” tàn phá các nền kinh tế nói riêng và đẩy kinh tế thế giới nói chung vào nguy cơ khủng hoảng.

Thùy Dung

Theo Bloomberg.