Trung Quốc: Đại dự án “đô thị hóa” 250 triệu nông dân và những nghịch lý

(Dân trí) - Để thay đổi bộ mặt đất nước và tạo ra động lực tăng trưởng mới, Trung Quốc đang triển khai đại kế hoạch đô thị hóa, đưa 250 triệu nông dân ra các thành phố mới. Nhưng trong niềm vui sống trong các tòa cao ốc, không ít nông dân cũng cảm thấy bất an.

Trong một căn phòng họp tối, gương mặt của Li Yongping được phản chiếu sáng bừng lên bởi một tấm bản đồ khổng lồ của tỉnh Sơn Tây được chiếu trên màn hình lớn. “Người dân sẽ di chuyển khỏi đây”, ông nói và chỉ về phía những dãy núi ở phía Nam của tỉnh. “Và họ sẽ tới đây”, ông nói tiếp và chỉ về phía khu nhà kiên cố mới xây của nông dân. “Họ sắp chuyển tới một thế giới hiện đại”, ông Li tuyên bố.

Người dân nhiều tỉnh miền núi sẽ chuyển xuống sống ở khu nhà phố ở phía xa
Người dân nhiều tỉnh miền núi sẽ chuyển xuống sống ở khu nhà phố ở phía xa

Ông Li hiện đang chỉ đạo một trong những dự án di dân lớn nhất trong lịch sử thời hậu chiến: đưa 2,4 triệu nông dân từ các khu vực miền núi của tỉnh Sơn Tây xuống các thị trấn, thành phố đồng bằng. Nhiều thị trấn được xây dựng ngay trên đất của các nông dân khác. Tổng chi phí cho dự án ước tính vào khoảng 200 tỷ USD và sẽ mất hơn 10 năm để thực hiện.

Đây chỉ là một trong những động thái mạnh mẽ trong một nỗ lực được chính phủ Trung Quốc chỉ đạo nhằm chấm dứt sự áp đảo của đời sống nông thôn, vốn hàng thiên niên kỷ qua đã là nền tảng của xã hội và chính trị nước này.

Hàng thập gần đây, nông dân Trung Quốc vẫn di cư đến các thành phố nhưng chính phủ lại xem tốc độ như vậy là quá chậm. Trong một kế hoạch đô thị hóa sẽ được ra mắt trong năm nay, mỗi năm sẽ có tới 21 triệu nông dân được đưa tới các thành phố.

Trên thực tế, các dự án đã được triển khai. Ngoài khu vực Sơn Tây, tại khu tự trị Ningxia, 350.000 dân làng chuẩn bị rời đi. Trong khi đó tại tỉnh Quý Châu, khoảng 2 triệu người cũng sẽ được đưa ra thành thị trước năm 2020. Mục tiêu là đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có thêm 250 triệu cư dân đô thị.

Quá trình đô thị hóa diễn ra một cách vội vã bất chấp những lo ngại nhiều cư dân nông thôn không thể tìm được việc làm tại các khu đô thị mới, hoặc đơn giản là không muốn từ bỏ nếp sống cũ. Tuy nhiên chương trình này đã được các lãnh đạo cấp cao nhất hậu thuẫn, bởi nó được xem là cách tốt nhất để giúp Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, trong đó những cư dân thành thị mới sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng cho hàng thập kỷ tới.

Và những người như ông Li, người phát biểu một cách đầy cảm xúc về mong muốn đưa 700 triệu nông dân Trung Quốc bước vào thế kỷ 21, sẽ chịu trách nhiệm triển khai dự án đó. “Một mục tiêu then chốt của quá trình hiện đại hóa đó là chúng tôi phải hoàn thành quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa”, ông Li nói.

Nhưng có một điều đáng suy nghĩ là trong khi các quan chức luôn lặp đi lặp lại về dự án tại Sơn Tây rằng người dân đều tự nguyện di chuyển, các cuộc phỏng vấn lại cho thấy không phải tất cả đều đồng ý.

Một khu nhà tại tỉnh Hải Nam được xây để đón các nông dân
Một khu nhà tại tỉnh Hải Nam được xây để đón các nông dân

Tại Qiyan, một ngôi làng trước đây chỉ có 200 hộ dân, đã được chỉ định trở thành thị trấn và các vùng đất thấp tại đây được san phẳng và xây lên những tòa cao ốc cho 6.000 người.

Những người sống trong các ngọn đồi xung quanh được khuyến khích tới sống tại đây thay vì về các thành phố lớn. Ý tưởng đó là nhằm hạn chế số lượng siêu thành phố bằng cách giữ chân nông dân tại các thành phố gần khu đất họ canh tác. Nhưng vấn đề là ở chỗ không phải ai cũng tìm được việc làm.

Trong một chuyến ghé thăm tháng 2 vừa qua, phóng viên của tờ New York Times thấy nhiều người dân ngồi quây quần ở trước sân và hơ tay vào những đống lửa. Ngôi nhà của họ mới tinh, được trang bị hệ thống sưởi và các thiết bị hiện đại, nhưng không nhà nào bật chúng vì một lí do đơn giản: tiền điện. Do đó họ quyết định đốt củi sưởi.

“Khi còn sống ở vùng núi, mỗi tháng chúng tôi chỉ tốn 10 nhân dân tệ (khoảng 1,6 USD tiền điện”, Lin Jiaqing, một người nông dân đã chuyển về Qiyan được 2 năm cho biết. “Nhưng nay có tháng chúng tôi phải trả tới 670 nhân dân tệ. Do đó từ giờ chúng tôi sẽ không dùng lò sưởi hay máy giặt”.

Ông Lin và nhiều người khác đều đồng ý rằng cuộc sống trên các dãy núi có nhiều bất lợi. Mỗi năm ông làm công nhân lắp ráp 11 tháng tại tỉnh Giang Tô cách xa nhà. Ông khẳng định mình thấy mừng với sự an toàn của ngôi nhà mới.

Tuy vậy, những căn hộ này có giá tới 19.000 USD. Khoản hỗ trợ của chính phủ chỉ chi trả được 25% số đó, còn hợp tác xã tín dụng của chính phủ cho vay không tính lãi tương đương một phần tư số tiền nữa. Điều đó có nghĩa là các gia đình vẫn phải chi ra một số tiền mà với họ là cực lớn, tới 10.000 USD để mua một căn hộ, và sau đó phải trả số tiền vay 5000 USD cho chính phủ.

Nhưng đó mới chỉ là phần “vỏ” của căn hộ. Hầu hết các gia đình cần phải chi thêm hàng nghìn USD nữa để sơn sửa, lắp đặt thiết bị chiếu sáng, mua TV và máy giặt. Tất cả các khoản mua sắm này giúp kích thích nhu cầu nội địa, đúng như ý định của các nhà hoạch định, nhưng nó buộc các hộ dân phải có những lựa chọn đau đơn.

“Con gái tôi từng học giỏi, nhưng do chúng tôi đã mua căn hộ này, nó biết rằng chúng tôi không đủ tiền để cho nó học đại học”, vợ ông Lin, bà He Shifang chia sẻ.

Một số người khác thì tình cảnh còn khó khăn hơn. “Giờ tôi không còn tiền”, Cai Dawei, người mua căn hộ năm 2010 với hy vọng kiếm được việc ở thị trấn mới. Một khu công nghiệp đã được xây nhưng hoàn toàn trống rỗng, ngoại trừ những đợt chế biến nhỏ theo mùa vụ của một đồn điền trồng chè nhỏ. Cư dân địa phương ước tính chỉ khoảng 20 người làm việc tại đây. Hầu hết những người còn lại hoặc thất nghiệp hoặc phải làm việc cách nhà rất xa.

Ở tuổi 48, ông Cai cho biết mình cũng làm việc trong các nhà máy. Khoản vay kỳ hạn 3 năm của ông sẽ đến hạn vào mùa Thu này và ông Cai giờ chỉ hy vọng con trai ông, người đang làm việc ở một nhà máy khác, có thể giúp gia đình trả nợ. Không còn đất canh tác, ông Cai cho biết giờ ngay cả thực phẩm ông cũng phải trông vào tiền của con trai.

Vợ ông, bà Lü Minqin cho biết bà tiếc nhất khi đã mua chiếc TV màn hình phẳng 46 inch với giá 700 USD bởi nó tiêu tốn quá nhiều điện. Ngoài ra còn có chiếc máy giặt giá 200 USD. Lúc mua chúng được xem như một phần của đời sống người thành thị, bà nói, nhưng giờ cả hai đều bị bỏ không.

Bà Lu từng nghĩ đến chuyện quay về nơi ở cũ, nhưng khi trở về đây bà đã bị sốc. “Họ trồng cây ở khắp nơi và có cả lợn hoang”, bà Lu cho biết. “Chúng tôi không thể quay trở lại bởi nhà đã bị kéo sập”.

Thanh Tùng
Theo New York Times