Trung Quốc có thể trở thành “thánh địa” rượu vang

(Dân trí) - Với hàng loạt dự án đầu tư lớn, Trung Quốc đang được giới phân tích thị trường nhìn nhận như một Chilê thứ hai của ngành sản xuất rượu vang, nơi cung cấp các sản phẩm giá phải chăng và chất lượng tốt cho thị trường thế giới.

Kiểm soát gần một nửa thị trường rượu vang nho Trung Quốc, Dynasty, Changyu và Great Wall, đều thuộc sở hữu của tập đoàn China Foods, đang cố gắng thay đổi sở thích và thói quen uống của người tiêu dùng trong nước, chuyển từ bia và rượu ngũ cốc sang rượu vang.

 

Mặc dù trong ngắn hạn, doanh số tiêu thụ rượu vang có thể giảm, do tác động của tình hình kinh tế thế giới, nhưng các nhà phân tích cho rằng triển vọng dài hạn của ngành sản xuất rượu vang Trung Quốc khá tươi sáng, vì thu nhập khả dụng có chiều hướng tăng và tầng lớp trung lưu có nhu cầu hưởng thụ cuộc sống cao hơn.

 

Ông Shanshan Lu, một nhà phân tích của tập đoàn tài chính Credit Suisse ở Thượng Hải, cho rằng quá trình này sẽ diễn ra từ từ chứ không thay đổi một sớm một chiều. Cơ hội đến từ thị trường bình dân, và thách thức là sự cạnh tranh của các mác rượu ngoại nhập khẩu vào Trung Quốc.

 

Các hãng rượu nổi tiếng thế giới, như Diageo và Pernod Ricard, cũng đang đẩy mạnh mở rộng hoạt động tại Trung Quốc - nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng họ chủ yếu tập trung cạnh tranh trên thị trường whisky cao cấp, với các nhãn hiệu như Johnnie Walker và Chivas Regal.

 

Theo khảo sát của công ty Euromonitor, ngành sản xuất rượu vang Trung Quốc sẽ tăng trưởng lên mức 13,7 tỷ USD vào năm 2010, tăng 30% so với mức 10,5 tỷ của năm 2007; và các một số chuyên gia cho rằng đây sẽ là thị trường tiêu thụ rượu vang lớn thứ 8 thế giới vào năm 2012.

 

Tuy nhiên, vang nho hiện chỉ chiếm thị phần nhỏ tại Trung Quốc. Cũng theo Euromonitor, đến năm 2010, các loại rượu không chế biến từ nho, như rượu vàng và rượu gạo vẫn sẽ chiếm gần 2/3 thị trường, tương đương giá trị 8,8 tỷ USD.

 

Trong khi đó, thị trường rượu vang toàn cầu có giá trị 234,7 tỷ USD trong năm 2007, trong đó vang nho nhẹ chiếm 164,2 tỷ USD.

 

90% rượu vang nho tiêu thụ tại Trung Quốc và vang đỏ, trong khi vang trắng mới được giới sành rượu coi như biểu tượng của đẳng cấp và sự xa xỉ. Giá rượu vang Trung Quốc khá rẻ, trung bình chưa đến 3 USD/chai.

 

Dù thị trường có nhiều triển vọng dài hạn, nhưng các nhà sản xuất rượu vang nói riêng và hàng tiêu dùng nói chung ở Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng chi phí tăng, khi tỷ lệ lạm phát của đất nước chạm mức cao kỷ lục trong vòng 11 năm.

 

Hôm 10/9, Dynasty - hãng rượu có 27% cổ phần thuộc sở hữu của Rémy Cointreau - cho biết doanh số tiêu thụ của họ trong 6 tháng đầu năm 2008 chỉ tăng chưa đến 1% lên 30 triệu chai, do môi trường cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu tiêu thụ thấp sau các trận lũ lụt và động đất tại Trung Quốc trong năm nay.

 

Trong khi đó, Great Wall, hãng đang chiếm 15% thị phần và là nhà cung cấp rượu chính thức của Olympic Bắc Kinh 2008, đã chứng kiến doanh số tăng 92% lên 94.000 tấn vào năm ngoái, dẫn tới doanh thu tăng 19% lên 274 triệu USD, theo số liệu của công ty chứng khoán CIMB-GK.

 

Hãng rượu có thị phần lớn nhất Trung Quốc - Changyu - có doanh thu tăng 27% lên 263 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay.

 

Nhiều ý kiến cho rằng sớm muộn gì rượu ngoại cũng sẽ đánh bật các hãng rượu Trung Quốc ra khỏi thị trường, vì nhu cầu đang ở rộng về phía tầng lớp người tiêu dùng trung lưu, có yêu cầu cao hơn về sản phẩm.

 

Lượng rượu nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng hơn 19% lên 163.600 tấn trong năm 2007, theo số liệu của UBS, và thị trường rượu ngoại đang phát triển với tốc độ nhanh hơn rượu nội.

 

Tuy nhiên, có thể rượu ngoại sẽ không thể tấn công thị trường Trung Quốc mạnh mẽ được như các mặt hàng cao cấp khác, như ô tô BMW hay đồ da Louis Vuitton.

 

Mọi câu trả lời vẫn đang ở phía trước.

 

Đặng Lê

Theo Reuters