Trồng vải trên đất Tây Nguyên, mỗi năm thu lãi 1,8 tỷ đồng
(Dân trí) - Mạnh dạn chuyển đổi từ các loại cây trồng ngắn ngày, cây công nghiệp sang trồng vải đã mang lại thu nhập lý tưởng cho nông dân Đắk Lắk.
Vùng đất Ea Kar (Đắk Lắk) những năm gần đây nổi tiếng là vùng vải có tiếng của Tây Nguyên. Vải nơi đây đặc trưng ở điểm sẽ ra trái sớm hơn vải Lục Ngạn (Bắc Giang) khoảng 1 tháng nên hàng bán rất chạy, mang lại mức thu nhập cao cho bà con nông dân.
Trước đây, phần diện tích đất khoảng 1ha Lý Văn Thọ (thôn 2, xã Ea Sar) trồng cà phê và trồng điều nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. Vào năm 2016, anh Thọ bắt đầu chuyển đổi khu vực rẫy sang trồng vải, đến năm 2020 là năm đầu tiên cho quả với năng suất đạt trên 5 tấn/ha.
Đi giữa vườn vải sai quả, chín đỏ mọng anh Thọ vui vẻ cho biết, trồng vải không tốn công chăm sóc như những loại cây ăn quả khác, thời gian thu hoạch lại nhanh lại không tốn nhân công.
“Đây là năm đầu tiên thu hoạch, vườn vải của gia đình tôi lãi khoảng 100 triệu đồng. Tôi cũng không phải lo đầu ra vì có bao nhiêu vải khách đến đều đặt mua hết. Vải được khen quả to, ngọt nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi”, anh Thọ chia sẻ.
Một trong những người thành công nhất về việc trồng vải ở huyện Ea Kar đó chính là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bình (thôn 10, xã Ea Sar). Khoảng 10 năm trước ông Bình từ quê Bắc Giang vào Đắk Lắk thăm họ hàng và phát hiện khí hậu tại Đắk Lắk phù hợp để trồng cây vải Lục Ngạn. Sau đó, ông cùng vợ đã quyết định vào Tây Nguyên lập nghiệp.
Ban đầu, gia đình ông chỉ trồng khoảng 100 gốc vải u hồng cho thu hoạch năng suất cao, giá tốt. Ông Bình đã mạnh dạn mua, đầu tư trồng tổng cộng 9ha vải. Đến nay, có 7ha vải đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 15 - 20 tấn/ha. Với giá vải đầu mùa dao động từ 35.000 – 50.000 đồng/kg, gia đình ông lãi mỗi năm trên 1,8 tỷ đồng.
Ông Bình cho biết, vải của gia đình ông sau khi cắt được đóng thùng cẩn thận và chuyển thẳng xuống Chợ đầu mối tại TP.HCM để bán cho các tiểu thương, siêu thị. Ngoài ra, một số lượng vải lớn ông còn đem xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cũng theo ông Bình, việc trồng vải ở Đắk Lắk có những điều khác hơn so với vả ở quê hương Bắc Giang của ông. Theo đó, năm nào thời tiết tại Đắk Lắk lạnh nhiều thì năm đó vải sẽ ra trái nhiều hơn, ngoài ra người trồng cần biết kỹ thuật chăm sóc như: bón phân hữu cơ, phân vi sinh, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, tỉa cành, hãm cây (thắt kẽm ở thân cây) đúng thời điểm… sẽ đạt năng suất cao.
“Vải ở Đắk Lắk có ưu điểm lớn nhất đó là ra quả sớm hơn vải Lục Ngạn 1 tháng nên chúng tôi còn gọi đây là “vải sớm”, thị trường tiêu thụ rất mạnh, giá cả khá cao. Năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên giá thấp hơn những năm trước nhưng bù lại năng suất lại cao hơn nên vẫn thu được lãi”, ông Bình nói thêm.
Được biết, ngoài việc bán vải, gia đình ông Bình mỗi năm còn bán ra hơn 10.000 cây vải giống cho nông dân khắp Tây Nguyên. Trước việc trồng vải hiệu quả đã cải thiện kinh tế gia đình ông, giúp ông có thêm chi phí xây dựng nhà cửa, mua thêm đất đai để phát triển làm giàu.
Ông Hồ Tấn Cư - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 500 ha vải, trong đó xã Ea Sar chiếm khoảng 300ha , xã Ea Sô gần 200, còn lại các xã khác trên địa bàn.
“Những năm gần đây cây công nghiệp cà phê do biến đổi khí hậu, giá cả thị trường xuống thấp nên bà con nông dân chuyển dần sang trồng vải. Sản lượng vải trung bình đạt 12 – 15 tấn/ha giúp nông dân có lãi mỗi ha khoảng 250 triệu đồng”, ông Cư cho hay.
Cũng theo vị trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar, hiện tại xã Ea Sar và Ea Tih đã được xây dựng, tổ chức sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn Vietgap và huyện đang tiếp tục nhân rộng mô hình này, nâng cao giá trị tiêu thụ thị trường trong nước và quốc tế.
“Để phát triển trồng vải ổn định, chúng tôi đang tiến hành áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu cho nông dân phát triển cây vải. Bên cạnh đó, huyện có đề xuất với ngân hàng tạo điều kiện vay vốn, các chính sách hỗ trợ khác giúp vùng nguyên liệu phát triển bền vững”, ông Cư nhấn mạnh.
Thúy Diễm