Trồng cam mua... Camry

Gần chục năm trước họ là những nông dân nghèo, nhưng sau đó họ đã trở thành những tỷ phú. Cây cam và sức lao động, sự sáng tạo của những người dân ở thị trấn Cao Phong (Hòa Bình) đã làm nên “phép màu” này.

Đất lành… cam ngọt

Cam Cao Phong nổi tiếng bởi có vị ngọt thanh, thơm đặc trưng, vỏ mỏng và đặc biệt tương đối sạch, vì được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Nguyễn Hồng Thủy – Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong, thì cây cam đã trồng ở đây từ năm 1964, khi vừa thành lập Nông trường Cao Phong, với các giống cam chủ yếu như cam Xã Đoài, cam V2, cam Canh... Hồi đó ở Cao Phong có đến hàng trăm hộ trồng cam, tổng diện tích hàng trăm ha. Mặc dù chưa có thương hiệu như bây giờ, nhưng với chất lượng ngon khó có vùng cam nào sánh bằng, cam Cao Phong đã từng là mặt hàng chính của Hòa Bình xuất khẩu đi Liên Xô và các nước Đông Âu, đây cũng là thời “hoàng kim” của cam Cao Phong.
 
Sau khi Liên Xô tan rã, vùng cam Cao Phong cũng “tan rã” theo, vì không có đầu ra và cây cam từ cây làm giàu, bỗng thành cây “hóa nghèo” của người dân nơi đây. Cam đến vụ chín đỏ cây, không bán thì tiếc, bán cũng tiếc, vì giá cam quá rẻ, nhiều nhà “găm” chờ giá lên, nhưng càng chờ giá càng tụt giảm, thế là họ đành để cho cam chín rụng. Nhiều hộ không kham nổi đã phải chặt bỏ cam để trồng cây trồng khác.

Từ năm 1993, cây cam ở Cao Phong đã được khôi phục lại, nhưng thời điểm phát triển mạnh nhất là từ năm 2004 đến nay. Hiện cả thị trấn có khoảng 521ha cam, trong đó 332ha đã cho thu hoạch, ước chừng sản lượng đạt gần 10.000 – 15.000 tấn/năm, nhiều nhà có đến 5 – 6ha cam, thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

 
Ông Nguyễn Hồng Lâm (khu 8, thị trấn Cao Phong) thu 1 tỷ đồng/năm từ cam.
Ông Nguyễn Hồng Lâm (khu 8, thị trấn Cao Phong) thu 1 tỷ đồng/năm từ cam.

Sở dĩ cam Cao Phong ngon, bởi chất đất ở đây rất màu mỡ, tơi xốp, khí hậu lại ôn hòa, mưa gió vừa phải. Với sự nỗ lực của tất cả những người dân nơi đây trong việc quảng bá, chăm sóc để có một quả cam ngon, sạch, tháng 6.2010 cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận nhãn hiệu cạnh tranh Việt. Nhờ đó mà giá trị của quả cam đã tăng gấp đôi trước (từ 15.000 – 18.000 đồng lên 30.000 – 35.000 đồng/kg). Vì thế, đời sống của người dân ngày một khấm khá.

Trồng cam mua Camry

Về Cao Phong, tôi được những người từ đói nghèo nhờ cam mà thành tỷ phú. Trong vô vàn những câu chuyện, tấm gương ấy, tôi thực sự ấn tượng với câu chuyện lập nghiệp của ông Tạ Đình Đào ở khu 5B và anh Bùi Văn Tiến khu 3, thị trấn Cao Phong.

Chiếc xe Camry 2.4 giá hơn 1 tỷ đồng mà ông Tạ Đình Đào mua từ tiền bán cam hồi đầu năm.
Chiếc xe Camry 2.4 giá hơn 1 tỷ đồng mà ông Tạ Đình Đào mua từ tiền bán cam hồi đầu năm.

Ông Đào cho hay: “Từ 2 bàn tay trắng, tôi đã đổ công sức vào cây cam. Năm ngoái tôi thu 150 tấn cam, giá trung bình từ 25.000 – 33.000 đồng/kg tùy từng thời điểm, thu về hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 2 tỷ đồng”. Tự thưởng cho công sức, sự may nắm của mùa cam bội thu, đầu năm 2013 ông đã bỏ ra 1,3 tỷ đồng tậu con xe Toyota Camry 2.4 mới coóng để làm phương tiện đi lại.

Tỷ phú cam Bùi Văn Tiến ở khu 3, thị trấn Cao Phong cũng có hoàn cảnh tương tự ông Đào. Ông Tiến cũng xuất thân từ một gia đình nghèo, nhưng nhờ nghị lực, cần cù lao động, sau hơn 10 năm gắn bó với cây cam, nay ông đã thực sự đổi đời. “Hiện tôi có gần 10ha cam, 5ha đã cho thu hoạch. Vụ cam năm ngoái vừa được mùa, được giá, với gần 120 tấn cam, giá 30.000 đồng/kg, tôi thu về hơn 2 tỷ đồng. Vụ cam năm nay nếu giá 30.000 đồng/kg, dự kiến sẽ thu khoảng hơn 3 tỷ đồng”.

Không chỉ xây nhà biệt thự hoành tráng, năm ngoái, ông Tiến cũng đã tậu một con “xế hộp” ngót tỷ đồng. Ngoài tỷ phú cam Tạ Đình Đào, Bùi Văn Tiến, ở thị trấn Cao Phong còn phải kể đến những cái tên như: Đặng Thị Thu, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Hồng Lâm, Nguyễn Thế Bình… đều là những người có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ cam.