Trồng cam làm giàu

Xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên là một trong những xã giàu nhất của tỉnh Tuyên Quang với 41 tỷ phú (thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng) và có 50% hộ gia đình là hộ giàu. Nhờ trồng cam, người dân nơi đây không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bền vững.

Xây nhà, mua xe nhờ trồng cam

 

Nằm dưới chân dãy núi Cham Chu, xã Phù Lưu là vùng cam sành nổi tiếng của huyện Hàm Yên với tổng diện tích 1.870 ha cam. Trung bình mỗi năm, diện tích cam này cho thu 15.700 tấn quả với doanh thu đạt khoảng 157 tỷ đồng. Thu nhập từ trồng cam mà người dân gửi tiết kiệm lên tới 950/1.000 hộ trồng với tổng số tiền gửi trên 32 tỷ đồng. Sau vụ thu hoạch cam năm 2014, trên địa bàn xã đã có khoảng 40 hộ mua ô tô con để phục vụ việc đi lại của gia đình... Nhờ trồng cam đã làm thay đổi bộ mặt làng quê nghèo khó ngày nào với những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, sầm uất.

 

 

Gia đình anh La Văn Hiệp, dân tộc Dao Đỏ, thôn Lăng Đán nhờ trồng cam sành nên đời sống đã được nâng lên rất nhiều, nhất là vài năm lại đây, khi cam sành được mùa, được giá và khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Với 7 ha cam sành, trồng 1.000 cây, trung bình mỗi năm, vườn cam của gia đình anh cho thu trên 100 tấn quả, trừ chi phí, lãi khoảng từ 600 - 700 triệu đồng.

 

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, ở thôn Mường đã vươn lên trở thành một trong những tỷ phú của xã Phù Lưu. Ngôi nhà khang trang có trị giá hơn 700 triệu đồng được gia đình chị xây dựng năm 2007 cũng từ tiền bán cam. Cây cam là cây trồng chủ lực giúp gia đình chị vươn lên làm giàu. Hiện nay, gia đình chị có 1.700 gốc cam sành cho thu hoạch khoảng trên 160 tấn quả/năm, doanh thu đạt trên 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

Ông Ma Hoa Tàm, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước đây, Phù Lưu là xã nghèo khó của huyện Hàm Yên, với 65% số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm cao, nhưng những năm gần đây, cam sành được mùa, được giá đã giúp đời sống người dân nâng lên. Hiện nay, tỷ lệ hộ giàu của xã chiếm 50%; số hộ khá, trung bình chiếm khoảng hơn 40%... Từ bán cam, nhiều gia đình xây được nhà cao tầng, sắm được những phương tiện sử dụng đắt tiền như ô tô.

 

Phát triển bền vững

 

Cây cam sành gắn bó với người dân xã Phù Lưu từ nhiều năm nhưng cây cam chỉ thực sự trở thành cây làm giàu của người dân địa phương khi cam sành khẳng định được thương hiệu trên thị trường và được công nhận là trái cây đặc sản, giá trị bậc nhất Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiệu quả từ trồng cam sành ở Phù Lưu đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa sản xuất hàng hóa nông nghiệp lên một bước mới, làm thay đổi cuộc sống của những người dân ở nông thôn, giúp người dân làm giàu bền vững trên chính mảnh đất quê hương mình.

 

Để giữ vững thương hiệu và phát triển vùng cam sành theo hướng bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã và đang hướng dẫn các hộ dân trồng cam sành ở Phù Lưu triển khai áp dụng quy trình sản xuất cam sạch trên toàn bộ diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đồng thời, khẳng định vị thế của một trái cây đặc sản trong xu thế hội nhập và phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế của người dân ngày càng phát triển.

 

Bên cạnh đó, để mở rộng diện tích và nâng cao thu nhập cho người dân trồng cây cam sành, tỉnh Tuyên Quang cũng đã phê duyệt Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020, sẽ nâng tổng diện tích trồng cam sành đạt trên 6.800 ha.

 

Theo Vũ Quang Đán

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”