Tranh chấp thương mại lớn nhất trong lịch sử WTO?
Cho tới hôm 11/4, Brussels và Washington vẫn chưa đạt được thỏa thuận về cuộc tranh chấp giữa 2 hãng hàng không hàng đầu thế giới Airbus và Boeing.
Cả hai bên cho biết họ sẽ tiếp tục theo đuổi đàm phán. Trong tương lai, chiếc Airbus A350, được thiết kế để cạnh tranh với Boeing 787, có thể sẽ là nạn nhân đầu tiên của cuộc tranh chấp lâu dài giữa Liên minh châu Âu và Mỹ về những hỗ trợ cho ngành du lịch hàng không.
Mỹ phản đối gay gắt kế hoạch của châu Âu hỗ trợ vốn cho việc sản xuất máy bay A350 và đe dọa sẽ đòi trọng tài của WTO đứng ra phân xử nếu EU đồng ý hỗ trợ cho dự án sản xuất Airbus A350 trước khi đàm phán song phương kết thúc.
Cuộc tranh chấp này đã làm cho nhà sản xuất máy bay châu Âu này lâm vào tình thế khó xử bởi hãng đang dự tính sẽ kêu gọi thêm 4 nước thành viên là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha hỗ trợ tài chính cho A350.
Chi phí của dự án này ước tính lên tới 4 tỷ euro (tương đương 5,19 tỷ đô la). Cổ đông lớn nhất của Airbus là Cty Vũ trụ và Bảo vệ hàng không châu Âu chiếm 80% cổ phần và hệ thống BAE của Anh chiếm 20% cổ phần.
Ông Noel Forgeard - Giám đốc điều hành Airbus - cho biết: Hồi cuối tháng 12, đã kêu gọi được 33% vốn vay hoàn lại trong tổng số vốn đầu tư từ các nước thành viên.
Tuy nhiên, ngày 11/4, được hỏi khi nào Airbus bắt đầu được hỗ trợ vốn, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu trả lời, hiện nay mọi thứ đang bị hoãn lại. Sự trì hoãn này là nhằm tránh xảy ra một cuộc tranh chấp thương mại lớn nhất trong lịch sử WTO.
Chiếc máy bay 2 động cơ, có sức chứa lớn dự định sẽ là đối thủ cạnh tranh của Boeing 787, chiếc máy bay mà các Cty Mỹ hy vọng sẽ giúp họ giành lại vị trí số 1 trong ngành thương mại hàng không thế giới.
Theo Airbus, thị phần máy bay 245 - 285 chỗ ngồi rất có triển vọng bởi hơn 3000 chiếc máy bay loại này sẽ "về hưu" trong vòng 20 năm nữa. A350 sẽ có khả năng thống lĩnh một nửa thị trường và dự định sẽ đưa vào phục vụ vào năm 2010.
Nhà sản xuất máy bay Airbus đặt tại Toulouse (Pháp), dự kiến sẽ nhận được 50 đơn đặt hàng cho loại máy bay A350 vào tháng 6 này. Vậy mà cho tới nay, họ mới nhận được 10 đơn đặt hàng của hãng hàng không Tây Ban Nha Air Europa do những tranh chấp trên.
Trong khi đó, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã được hưởng lợi khi đã nhận được 203 đơn đặt hàng và ký văn bản thỏa thuận cho máy bay Boeing 787 dự định sẽ đưa vào phục vụ vào năm 2008. Con số này bao gồm hợp đồng vừa được công bố vào ngày 11/4 của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air. Hãng này đã đặt hàng 10 chiếc Boeing 787 và sẽ chọn mua thêm 10 chiếc nữa trị giá khoảng 1,3 tỷ đô la.
Theo các nhà phân tích, tranh chấp giữa EU-Mỹ vẫn không thể ngăn cản được dự án sản xuất A350. Airbus khẳng định, cho dù có được bồi thường, có được hỗ trợ vốn hay không, kế hoạch sản xuất A350 vẫn được tiến hành. Trong tình huống xấu nhất, tập đoàn này sẽ cầu viện tới các ngân hàng và tất nhiên sẽ làm cho giá thành sẽ tăng lên, nhưng bù lại họ sẽ tạo ra nhiều điều kiện ưu đãi hơn.
Tiền phong (Theo Reuters)