Trang trại nuôi lợn đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn Global GAP
(Dân trí) - Sản phẩm có chứng nhận Global GAP được thừa nhận chất lượng trên quy mô toàn cầu, tạo độ tin cậy cao cho các nhà phân phối lớn và mở ra cơ hội xuất khẩu thịt lợn cho ngành chăn nuôi Việt Nam.
Ngày 10/10, tại Hội thảo “Mô hình quản lý chất lượng trang trại theo chuẩn Global GAP”, Tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union đã trao giấy chứng nhận Global GAP cho Công ty Cổ phần Anova Farm. Đây là trang trại nuôi lợn thịt đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay đạt chuẩn này.
Trang trại nuôi lợn khi thực hành theo tiêu chuẩn Global GAP sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, an sinh vật nuôi, an toàn và phúc lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực trang trại.
Quan trọng, sản phẩm lợn thịt thương phẩm từ trang trại đạt chuẩn Global GAP luôn được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng cao và có thể truy xuất được nguồn gốc.
Thêm nữa, sản phẩm có chứng nhận Global GAP được thừa nhận chất lượng trên quy mô toàn cầu, tạo độ tin cậy cao cho các nhà phân phối lớn và mở ra cơ hội xuất khẩu thịt lợn cho ngành chăn nuôi Việt Nam.
Theo đánh giá từ IFC – thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, việc đạt chứng nhận Global GAP sẽ giúp sản phẩm của đơn vị đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và đóng góp vào việc đảm bảo an ninh lương thực.
Ông Tôn Văn Tân, Tổng Giám đốc Anova Farm cho biết, trang trại của công ty hiện ứng dụng các mô hình chăn nuôi và công nghệ hiện đại, áp dụng quy trình kiểm soát nghiêm ngặt bằng phần mềm quản lý chăn nuôi từ Hà Lan, tuân thủ theo các tiêu chuẩn của IFC về bảo vệ môi trường và an toàn lao động.
Quá trình sản xuất của trang trại này theo quy trình khép kín: nguồn lợn giống nhập khẩu trực tiếp từ Hoa Kỳ, sử dụng nguồn thức ăn đạt chuẩn từ nhà máy, nguồn vaccine nhập khẩu đạt chuẩn WHO-GMP; đảm bảo lợn được chăn nuôi đúng chuẩn quốc tế với chất lượng thịt an toàn, giàu dinh dưỡng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam.
"Chúng tôi xây dựng riêng một hệ thống truy xuất nguồn gốc nội bộ, bằng cách ứng dụng mã QR (QR code) và các phần mềm quản lý sản xuất như ERP Oracle, Pig Vision. Hệ thống cho phép truy xuất đến từng loại thức ăn, vaccine, thuốc thú y sử dụng trong suốt quá trình nuôi; đảm bảo thịt heo an toàn, không chứa chất cấm và dư lượng kháng sinh", ông Tân nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền, người dân. Là đơn vị quản lý nhà nước trên lĩnh vực lưu thông, phân phối, ông Hoà cho biết rất quan tâm làm sao thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay số đơn vị đạt chuẩn Global GAP vô cùng quý hiếm, thậm chí số đơn vị đạt chuẩn Viet Gap cũng "đếm trên đầu ngón tay".
Điều ông Hoà lo ngại chính là kênh phân phối truyền thống hiện vẫn còn... áp đảo nên những sản phẩm đạt chuẩn Global GAP, Viet GAP khi đưa ra thị trường không có sự phân biệt với sản phẩm khác.
"Sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP không thể "xập xí xập ngầu" so với sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Phải tổ chức sao cho thị trường minh bạch rõ ràng, tôn vinh thương hiệu làm ăn chân chính. Phải quản trị cả đầu vào và kiểm soát cả bán hàng thì người tiêu dùng mới an tâm được", ông Nguyễn Ngọc Hoà nói.
Công Quang