1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Trần lãi suất vẫn là 11%/năm?

(Dân trí) - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa công văn yêu cầu các thành viên tiếp tục thực hiện sự đồng thuận lãi suất trần 11%/năm. Một số ngân hàng cho hay, thời điểm này họ chưa tăng lãi suất huy động, nhưng sẵn sàng “vào cuộc” khi gặp tín hiệu của ngân hàng khác.

Công văn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ra đời trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo “Về việc triển khai thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng vững”, trong đó có quy định “trước mắt không duy trì việc quy định lãi suất trần”.

Theo khẳng định của bà Dương Thu Hương, Tổng thư kí Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, sau khi tiếp nhận nội dung thông báo trên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến như sau: “Hoan nghênh Hiệp hội Ngân hàng về những việc làm vừa qua đã góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ổn định mặt bằng lãi suất. Khi các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng đã thống nhất đồng thuận được mặt bằng lãi suất huy động thì việc dỡ bỏ biện pháp quản lý hành chính về quy định trần lãi suất của cơ quan nhà nước là cần thiết, việc đó không liên quan đến đồng thuận lãi suất của Hiệp hội Ngân hàng”.

Bà Hương nhấn mạnh: “Thủ tướng cho phép Hiệp hội Ngân hàng thông báo chính thức ý kiến đó để các tổ chức hội viên nhận thức đúng vấn đề. Vì vậy, để góp phần ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, phục vụ tăng trưởng kinh tế, Hiệp hội Ngân hàng thông báo đến các tổ chức hội viên tiếp tục thực hiện sự đồng thuận lãi suất tại thông báo số 119/HHNH ngày 25/3/2008 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam”.

Còn nhớ, vào thời điểm đầu tháng 2, kéo dài cho đến tháng 3, thị trường tiền tệ chứng kiến những cuộc đua tranh tăng lãi suất huy động vốn VND của hệ thống ngân hàng thương mại, đặc là nhóm cổ phần, trước áp lực nguồn tiền dự trữ và việc phải mua 20.300 tỷ đồng trái phiếu bắt buộc.

Lãi suất huy động vốn VND của ngân hàng đã “vọt” lên tới 14,4%/năm. Một làn sóng rút tiền từ ngân hàng có lãi suất thấp qua ngân hàng có lãi suất cao hơn đã diễn ra, khiến nhiều ngân hàng mất đi tính thanh khoản vốn có.

Trước những diễn biến mang tính cực đoan đó, ngày 26/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã ký công điện yêu cầu các ngân hàng thương mại áp dụng ngay mức lãi suất tiền gửi không quá 12%/năm.

Không được tự do tăng lãi suất huy động vốn, nhiều ngân hàng lại tìm cách “lách luật” bằng những chiêu khuyến mại hấp dẫn, mà tính ra mức lãi suất tổng của nhiều tổ chức tín dụng đã vượt quá 13%/năm.

Để tìm thấy tiếng nói chung, ngày 22/3 và 24/3, tại Hà Nội và TPHCM, các tổ chức hội viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng họp để bàn các giải pháp thực hiện đồng thuận lãi suất 11%/năm và đồng loạt thực hiện từ ngày 2/4.

Sau hơn 2 tuần thực hiện sự đồng thuận lãi suất huy động, theo đánh giá của bà Dương Thu Hương, đại đa số các tổ chức hội viên chấp hành nghiêm túc, thị trường hình thành mặt bằng lãi suất huy động mới thấp hơn mặt bằng lãi suất huy động cũ khoảng 1% và về cơ bản là thực hiện đồng đều giữa các ngân hàng.

Bà Hương dẫn chứng về lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm ở nhiều ngân hàng như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Quân Đội... và nếu với tình hình lãi suất huy động được ổn định như hiện nay thì có nhiều khả năng các thành viên khác của Hiệp hội Ngân hàng sẽ đi theo xu hướng giảm lãi suất cho vay.

Trao đổi với Dân trí, một số ngân hàng cho biết họ vẫn giữ lãi suất huy động theo mức trần đã thống nhất trước đó, nhưng không hứa chắc trong tương lai sẽ bảo toàn mức 11%/năm.

“Không có ý định xé rào, nhưng chúng tôi sẵn sàng vào cuộc khi các ngân hàng khác tăng lãi suất huy động. Hiện tại, có rất nhiều kênh để đầu tư, gửi tiết kiệm không còn là lựa chọn của số đông, do vậy chúng tôi cũng phải xoay sở cách này cách khác để giữ chân và thu hút khách hàng” - đại diện một ngân hàng cho biết.

Theo ghi nhận, bên cạnh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, cam kết đồng thuận về mặt bằng lãi suất với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng trong nước đang chuẩn bị lực, chờ đợi động thái của Ngân hàng Nhà nước về việc bỏ trần theo chỉ đạo của Thủ tướng.

“Chính phủ bỏ khống chế lãi suất trần huy động là hoàn toàn hợp lý, đã đến lúc trả lãi suất về cho thị trường tự quyết định; khi đó, lãi suất tiền gửi sẽ giữ vai trò tự động điều tiết dòng vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu và lãi suất sẽ tự động phân loại độ tín nhiệm của người nhận tiền gửi. Chúng tôi mong Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo bỏ trần lãi suất cũng nhanh chóng như khi “áp” vào ngày 26/2 vừa qua” - một ngân hàng kiến nghị.

An Hạ