1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Trả hàng trăm tỉ đồng nợ lương bằng cách nào?

Nhiều phản ánh của bạn đọc là người lao động bị chậm lương, nợ lương tại các đơn vị hàng hải, doanh nghiệp xây dựng cơ bản (XDCB) ở cả ngành xây dựng và giao thông.

Người bị nợ ít là 3 - 4 tháng, người nhiều đến cả năm chưa thấy đồng tiền lương.

 

Bài 1: Công nhân chờ lương trong vô vọng

 

Anh Nguyễn Thế Anh ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh)- làm việc trên tàu New Energy thuộc Cty TNHH MTV vận tải Viễn Dương (Vinashinlines)- gọi điện đến Báo Lao Động cho biết: “Tôi ký hợp đồng làm việc có thời hạn 3 năm và xuống tàu từ ngày 2/3. Sau đó đã đi một chuyến hàng từ Trung Quốc đến Indonesia rồi về neo tại sông Soài Rạp, huyện Cần Giờ, TPHCM. Từ khi lên tàu làm việc đến giờ tôi chưa được nhận đồng lương nào”. Đây cũng là hoàn cảnh chung của hơn 20 thuyền viên trên tàu.
 
Nhiều công nhân trong ngành GTVT đang bị DN nợ lương, nợ BHXH.
Nhiều công nhân trong ngành GTVT đang bị DN nợ lương, nợ BHXH.

 

Đã trừ thu nhập vẫn còn nợ lương!

 

Bị nợ lương, NLĐ vẫn phải bám trụ trên tàu và đến nay thức ăn, dầu máy cũng dần cạn kiệt. Anh Thế Anh cho hay, thuyền trưởng đã gửi đơn đến Cty rồi gọi cả điện thoại, ban đầu lãnh đạo Cty còn nghe máy, nhưng mấy ngày gần đây thì bặt vô âm tín. Cực chẳng đã, các thuyền viên trên tàu đã phải cầu cứu các cơ quan chức năng tại TPHCM và nhờ báo chí lên tiếng.

 

Còn bạn đọc P.V.T ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh- đang làm việc tại một Cty xây dựng có công trình tại huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam)- cho biết, từ tháng 7 đến giờ chưa nhận được lương, trong khi trước đây đều đặn hằng tháng Cty đều trả đủ. Không những vậy, anh P.V.T phản ánh Cty đã ban hành quyết định giảm thu nhập của NLĐ vào đầu tháng 10, nhưng lại áp dụng “giật lùi” cho 3 tháng lương NLĐ chưa được lĩnh trước đó.

 

Anh P.V.T bức xúc: “Trước đây thu nhập trung bình hằng tháng của tôi khoảng 7,2 triệu đồng, sau quyết định của Cty chỉ còn hơn 3 triệu đồng/tháng. Nhưng không hiểu sao chúng tôi lại bị áp đặt trong việc cắt giảm thu nhập. Nếu tháng 10 thông báo giảm từ tháng 11 là một lẽ, còn ở đây công nhân không có sự lựa chọn khi khối lượng công trình đã hoàn thành những tháng trước nhưng vẫn bị trừ thu nhập giật lùi”.

 

Đây là hai trong số nhiều trường hợp NLĐ bị chậm, nợ lương trong bối cảnh nhiều DN ngành xây dựng, giao thông, hàng hải gặp khó khăn chồng chất.

 

Công trình đình hoãn, lương bị ''treo''

 

Theo CĐ GTVT Việt Nam, tính số liệu thống kê đến giữa tháng 9, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị trong ngành đã cố gắng trả lương hoặc tạm ứng lương cho NLĐ. Nhiều đơn vị đã trả lương đến tháng 6 - 7/2012, một số đơn vị trả lương đến tháng 8/2012. Thu nhập bình quân chung toàn ngành 8 tháng đầu năm đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng. Một số đơn vị còn có thu nhập bình quân cao hơn toàn ngành, thậm chí có đơn vị đạt mức bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Theo thống kê gần nhất, tổng số nợ tiền lương của các đơn vị trong ngành GTVT (không tính hai DN Vinashin, Vinalines) là 166,4 tỉ đồng, trong đó khoản nợ lương từ 3 – 12 tháng là 87,54 tỉ đồng. Cá biệt, có những đơn vị đặc biệt khó khăn đã nợ lương kéo dài trên 12 tháng như Cty TNHH MTV 230 (Khu quản lý đường bộ II); Cty CP XDCTGT 820; Cty TNHH MTV XDCTGT 892;...

 

TCty CTGT 8 - một trong những đơn vị đang gặp nhiều khó khăn về đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ - thông tin nhiều công trình bị dở dang đã khiến vốn của DN bị chôn tại chỗ, nhưng vẫn phải gánh lãi suất ngân hàng. Lãnh đạo Cty thậm chí đã phải huy động vốn từ trong cán bộ, công nhân viên để tạo nguồn vốn lưu động.

 

Còn ông Đào Xuân Dụ - Chủ tịch CĐ TCty Xây dựng CTGT 1 - chia sẻ: “Trước đây ngành XDCB giao thông luôn đứng đầu ngành, nhưng hiện giờ bị lép vế, lương của NLĐ rất thấp. Hơn 14 đơn vị làm đường của chúng tôi tính ra thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, nhưng thực tế không thanh toán được”.

 

Theo Vinh Hải

Lao động