1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TPHCM: Thị trường gas đang bị “thả nổi”

(Dân trí) - Mấy ngày đầu tháng 5, các hãng gas đã lần lượt công bố tăng giá bán lẻ gas từ 7 - 10.000 đồng/bình 12 kg. Một bình gas đến tay người tiêu dùng hiện đã xấp xỉ 250.000 đồng và thị trường dường như đang bị “thả nổi”.

Giá gas “nhảy múa”

Từ một năm trở lại đây, giá gas bán lẻ trong nước liên tục tăng giảm theo giá gas thế giới nhưng chưa bao giờ tăng cao như thời điểm hiện nay. Nếu tính cả đợt tăng giá vừa rồi, từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 4 đợt điều chỉnh.

Nếu như hồi tháng giêng, giá gas tăng 4 - 6.000 đồng/bình, thì sang tháng 2 gas lại giảm 8 - 10.000 đồng/bình. Tháng 3 giá gas vẫn giữ nguyên thì sang đầu tháng 4 lại giảm thêm 2.000 đồng/bình.

“Giá gas thay đổi liên tục khiến người bán hàng như chúng tôi cũng phải đau đầu định giá bán lẻ, vì thực tế khách hàng than phiền giá gas đang ở mức quá cao” - chị Minh Trang, chủ một đại lý gas tại quận Bình Thạnh cho biết.

Theo các công ty kinh doanh gas, nguyên nhân của đợt tăng giá này là do giá gas nhập khẩu tăng bình quân. 42,5 USD/tấn.

“Nếu làm phép tính thêm cả các khoản thuế thì mỗi bình gas 12 kg sẽ tăng lên tổng cộng là 9.000 đồng/bình. Tuy nhiên, nhiều hãng gas phải chấp nhận điều chỉnh tăng ít hơn so với mức tăng của gas nhập khẩu” - Ông Đỗ Trung Thành, Phó Trưởng  phòng kinh doanh gas Saigon Petro phân tích.

Giá gas không vận hành theo cung - cầu?

Ông Trần Minh Tâm, trưởng phòng kinh doanh Công ty liên doanh khí đốt Sài Gòn, cho biết, giá gas trong nước vẫn đang được điều tiết theo giá thế giới. Tuy sức mua trên thị trường giảm nhưng do không dự trữ được hàng nên phải chấp nhận tăng giá dù chúng tôi không muốn thế.

Theo ông Thành, giá gas trong nước không vận hành theo quy luật cung cầu do chúng ta vẫn chưa có văn bản luật nào quản lý thị trường gas. Giá gas không được khống chế bằng giá trần giống như giá xăng dầu. Trong khi đó, giá gas thế giới diễn biến rất khó đoán.

Được biết, nguồn gas Dinh Cố do Công ty TNHH Kinh doanh và chế biến sản phẩm khí quản lý cung ứng khoảng 280.000 tấn/năm (chỉ đáp ứng khoảng 25 - 30% nhu cầu gas) vì nhu cầu của cả nước là 900.000 - 950.000 tấn/năm.

Giá gas của nguồn Dinh Cố lúc nào cũng thấp hơn giá thế giới khoảng 20 USD/tấn nhưng lượng cung ứng gas của Dinh Cố không đáp ứng được những hợp đồng dài hạn của các doanh nghiệp.

Ông Trần Trung Chính, chủ tịch nhóm 10 doanh nghiệp gas hàng đầu tại TPHCM, bức xúc: “Cái khó nhất là chúng ta vẫn chưa quản lý được hệ thống đầu mối nhập khẩu. Trong khi đó, hệ thống kho dự trữ gas trong nước còn quá yếu. Hiện kho dự trữ lớn nhất chỉ trữ được 2.000 - 3.000 tấn nên không đảm bảo nhu cầu dự trữ dài hạn”.

Thị trường gas đang diễn biến rất phức tạp, tình hình sang chiết và vận chuyển, tiêu thụ gas lậu vẫn hoạt động mạnh gây rối loạn trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều bất cập. Được biết, Bộ Công Thương đang soạn thảo các nghị định quản lý thị trường gas nhằm giúp quản lý thị trường gas đi vào nề nếp trong thời gian tới.

Nguyên Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm