TPHCM: Đầu tư 1.000 tỷ đồng để “biến” rác thành gạch, điện
(Dân trí) - Nhà máy xử lý – tái chế chất thải rắn Tassco Củ Chi có thể xử lý rác thành phân hữu cơ chất lượng cao, tro xỉ của rác sẽ dùng để sản xuất gạch không nung và nước rỉ rác dùng để phát điện.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, Nhà máy xử lý – tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi vừa được khởi công trên địa bàn thành phố vào ngày 22/11.
Nhà máy xử lý – tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi được xây dựng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi). Nhà máy này có công suất thiết kế 500 tấn chất thải rắn/ngày với tổng mức đầu tư dự án lên đến gần 1.000 tỷ đồng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thì công trình xử lý, tái chế chất thải rắn sẽ đưa vào sử dụng trong vòng 24 tháng. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ có thời gian khai thác, vận hành đến tháng 6/2057 và có thể nâng công suất theo yêu cầu được phân bổ tiếp nhận nguồn rác thải của thành phố.
Nhà máy xử lý – tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi được xây dựng theo mô hình “làng kinh tế tuần hoàn” của châu Âu với mục tiêu hướng đến “chất thải bằng 0”. Mô hình này áp dụng công nghệ chuyển hóa rác thành điện năng với hiệu suất cao, không phát tán mùi hôi, giảm thiểu phát thải ô nhiễm, giảm hiệu ứng nhà kính và giảm tỷ lệ chôn lấp.
Ngoài ra, nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn nói trên còn tận dụng chất hữu cơ để sản xuất phân hữu cơ chất lượng cao, tận dụng tro xỉ để sản xuất gạch không nung. Tận dụng nước rỉ rác để phát điện và khí thải từ nhà máy cũng đạt tiêu chuẩn châu Âu (EU 2000).
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện nay, mỗi ngày TPHCM có khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thải ra, trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, 14,7% tái chế nhựa và 9,3% đốt không phát điện. Mục tiêu của TPHCM đến năm 2020 là giảm tỉ lệ chôn lấp xuống còn 50%, năm 2050 còn 20%.
Mỗi năm thành phố dành khoảng 4.000 tỉ đồng để thu gom rác thải và duy tu sửa chữa hệ thống thoát nước, trong đó 88 tỷ đồng chi cho việc phân loại rác tại nguồn, 1.800 tỷ đồng chi cho việc xử lý rác thải.
“Việc xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn lần này mở ra một thời kỳ mới trong việc áp dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến, biến việc xử lý rác trở thành một ngành kinh tế, giúp giảm chi phí xử lý rác, biến rác thành nguồn nhiên liệu và tạo ra giá trị quay trở lại phục vụ cuộc sống. Đây chính là mô hình kinh tế tuần hoàn”, một vị đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nói.
Đại Việt