TPHCM công bố bình ổn giá cho 9 nhóm hàng

Trước sức ép tăng giá thị trường, chiều 1/4, đại diện sở Công thương và sở Tài chính TPHCM đã chính thức công bố số lượng, mức giá của 9 nhóm hàng bình ổn giá năm 2011, đồng thời công bố mức vốn doanh nghiệp tham gia bình ổn sẽ được vay từ nguồn vốn của UBND TPHCM.

TPHCM công bố bình ổn giá cho 9 nhóm hàng - 1
Khách mua hàng bình ổn giá tại FoocoMart - TPHCM (ảnh: Người Lao động).
 
Theo đó TPHCM sẽ chi 412 tỉ đồng thực hiện chương trình bình ổn giá cho 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản, bắt đầu từ 1/4/2011 đến 31/3/2012 trên địa bàn thành phố.

22 doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được vay vốn ưu đãi với lãi suất 0% trong 12 tháng (có 14 doanh nghiệp đã tham gia trong năm 2010, tiếp tục tham gia năm nay và có thêm 8 DN mới đăng ký). Nét mới của năm nay là có một số doanh nghiệp đăng ký bán hàng bình ổn nhưng không nhận vốn vay của thành phố như công ty Phú An Sinh, HTX rau Phước An, công ty 584 Nha Trang.

So với năm ngoái, tổng lượng hàng hóa sẽ tăng từ 14% lên 41% và số lượng hàng hóa tham gia bình ổn vào tháng thường trong năm 2011 sẽ chiếm bình quân khoảng 20 - 25% so với nhu cầu thị trường, trong tháng tết sẽ tăng thêm từ 30 - 40%. Có 2 mặt hàng giảm về lượng: gạo giảm 8% và thực phẩm chế biến giảm 4% do mặt hàng gạo có điều chỉnh cơ cấu mặt hàng theo hướng tăng lượng gạo thường, gạo thơm và giảm nếp vào ngày tết.
 
So với mức giá hàng bình ổn của năm ngoái, giá các mặt hàng thực phẩm năm 2011 hầu hết đều tăng từ 5% lên trên 20% so với năm ngoái. Như gạo thường từ 8.000 đồng/kg lên 10.800 đồng/kg, đường cát trắng từ 18.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg, trứng gà từ 21.500 đồng lên 23.500 đồng/kg…
 
Tuy nhiên các doanh nghiệp phải đảm bảo giá hàng bình ổn sẽ thấp hơn 10% so với giá thị trường. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng cao hơn 15% so thời điểm đăng ký giá bình ổn, các doanh nghiệp được phép điều chỉnh tăng giá bán. Ngược lại, nếu thị trường biến động giảm giá từ 5% (nghĩa là giá bán hàng bình ổn chỉ còn thấp hơn 5%), thì các đơn vị phải điều chỉnh giảm giá bán tương ứng.
 
Tổng số điểm bán hàng bình ổn do các doanh nghiệp đăng kí đến thời điểm ngày 1/4 là 2.314 điểm (trong đó có 876 điểm bán ở chợ).
 
Số lượng 9 mặt hàng bình ổn hàng tháng trong năm 2011: gạo - nếp 5.500 tấn; đường RE 2.300 tấn; dầu ăn 800 tấn; thịt gia súc 3.600 tấn; thịt gia cầm 1.650 tấn; trứng gia cầm 18 triệu quả; thực phẩm chế biến 1.010 tấn; rau củ quả 1.410 tấn; thủy hải sản 65 tấn.
 
Đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho thị trường Tết Nhâm Thìn 2012 sẽ có điều chỉnh cơ cấu về lượng hàng trong từng nhóm hàng so với tháng thường, tăng lên để chiếm từ 30%-40% so với nhu cầu thị trường. Cụ thể: gạo - nếp 4.700 tấn; đường RE 2.500 tấn; dầu ăn 900 tấn; thịt gia súc 3.650 tấn; thịt gia cầm 1.950 tấn; trứng gia cầm 25 triệu quả; thực phẩm chế biến 1.310 tấn; rau củ quả 2.010 tấn; thủy hải sản 65 tấn.
 
Theo MT
Báo SGTT