Top 500 ngân hàng mạnh nhất châu Á 2016
Tạp chí tài chính ngân hàng hàng đầu của khu vực Châu Á The Asian Banker (TAB) mới công bố bảng tổng kết, đánh giá và xếp loại các ngân hàng mạnh nhất của Châu Á - Thái Bình dương năm 2016. Trong danh sách Top 500 ngân hàng mạnh nhất - Strongest Bank có 17 ngân hàng thương mại đến từ Việt Nam, đặc biệt có sự xuất hiện của gương mặt mới vừa lột xác mạnh mẽ sau tái cơ cấu là TPBank.
Danh sách đánh giá toàn diện ngành ngân hàng của TAB bao gồm tất cả các hình thức sở hữu: ngân hàng nước ngoài, ngân hàng có vốn nhà nước, ngân hàng cổ phần…
Đóng góp vào danh sách 500 ngân hàng mạnh nhất châu Á, Việt Nam có 17 ngân hàng mạnh nhất. Ngoài các gương mặt quen thuộc như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, có gương mặt rất mới là ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Với các tiêu chí xem xét khắt khe của TAB về: chất lượng tài sản, sự tăng trưởng về tiền gửi, dư nợ cho vay, khả năng mở rộng về quy mô hoạt động, các yếu tố rủi ro, lợi nhuận… TPBank đã vượt qua nhiều ngân hàng giành vị trí số 6 trong số 17 ngân hàng nội địa mạnh nhất Việt Nam.
Đây là một kết quả xếp hạng đầy bất ngờ, bởi trước đó, TPBank từng được biết đến là ngân hàng trong diện buộc phải tái cơ cấu của Ngân hàng nhà nước giai đoạn 2011-2015. Với ban lãnh đạo mới cùng chiến lược kinh doanh bài bản, TPBank đã có những bước đi chắc chắn, vươn lên mạnh mẽ với các kết quả kinh doanh ấn tượng trong các năm gần đây, đặc biệt năm 2015 và 2016.
Báo cáo phân tích chi tiết cho thấy, tính theo xếp hạng về quy mô tổng tài sản thì TPBank xếp thứ 488 trong số 500 ngân hàng mạnh nhất ở Châu Á - Thái Bình dương. Nhưng TAB đặc biệt tập trung vào việc đánh giá và xếp hạng các ngân hàng theo sức mạnh (strength) dựa trên sự quản lý hiệu quả nhất về tài sản và nợ, thể hiện tiềm năng tăng trưởng và khả năng sinh lời của ngân hàng đối với các hoạt động cốt lõi (core business). Đối với phần xếp hạng sức mạnh ngân hàng, ngân hàng này đã đạt vị trí 298 trong số 500 ngân hàng mạnh nhất với các điểm đánh giá cao nhất ở chỉ số Cho vay (Loans), Huy động vốn (Deposit) dự trữ (Reserves) và xử lý nợ xấu.
Năm 2016, TPBank đã đạt được kết quả kinh doanh rất ấn tượng, với tổng tài sản đạt trên 105,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 38,8% so với năm 2015 và đạt 115,6% kế hoạch, trở thành ngân hàng có quy mô trung bình khá; tổng nguồn vốn huy động đạt trên 97,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 41,5% và vượt 15,3 % so với kế hoạch; chất lượng tín dụng tốt với mức nợ xấu kiểm soát thấp, chỉ còn 0,51% thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 707 tỷ đồng, tăng 12,93% so với năm 2015; lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng đạt 12%, là mức khá hiệu quả so với bình quân toàn ngành hiện nay.
Được thành lập năm 1996, The Asian Banker là tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng đầu trong lĩnh vực tài chính của châu Á. The Asian Banker có trụ sở chính tại Singapore và văn phòng tại nhiều nước trên thế giới. Mỗi năm The Asian Banker sẽ công bố bảng xếp hạng các tổ chức tài chính trong khu vực theo những tiêu chí chuyên biệt của ngành tài chính.