1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tôm sẽ rớt giá thê thảm?

Sau vụ kiện tôm DN xuất khẩu tôm và nông dân cứ ngỡ mình sẽ được yên ổn, nào ngờ bây giờ lại phải vướng vào các qui định mới của Hải quan và Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về vấn đề đóng tiền cọc đối với hàng nhập khẩu bị đánh thuế chống bán phá (bond) và cách tính thuế theo kiểu xem xét hành chính (review) sau 3 năm trời.

Sáng 16/4 nhiều DN xuất khẩu thủy sản cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP) đã có buổi gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Thủy sản - Tạ Quang Ngọc để bàn hướng tháo gỡ khó khăn này.

Ngay từ sáng sớm, các DN xuất khẩu thủy sản VN đã có mặt đông đủ tại nơi diễn ra cuộc họp, mặc dù chưa vào buổi họp nhưng không khí bên ngoài đã rất căng thẳng.

Theo các DN, điều làm họ lo lắng lớn nhất là vấn đề review. Đây là một qui định chứa quá nhiều rủi ro cho DN, giả sử bây giờ mức thuế ước chừng là 5%, nhưng đến tháng 8/2007 DOC tính mức thuế là 10% (tăng gấp đôi) thì DN phải làm sao trong khi hàng thì đã bán xong xuôi, tiền đã ký quỹ rồi (bond)?

Hơn nữa, số tiền ký quỹ (bond) là một khoản rất lớn (bằng giá trị nhập khẩu trong vòng 1 năm nhân với mức thuế phải đóng) và phải đóng 3 năm liên tục. Số tiền này chỉ được thanh toán lại sau khi DOC có kết quả review vào tháng 8/2007. Như Công ty Minh Phú phải đóng bond với mức 5,4 triệu USD cho năm 2005, vậy để theo được thị trường Mỹ thì DN này phải có số tiền bond ở mức là 16 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty Vimex (Bạc Liêu) cho biết, năm 2004 doanh số xuất khẩu tôm của công ty ông đạt 3 triệu USD (chỉ riêng thị trường Mỹ), như vậy nếu phải đóng bond Vimex phải ký quỹ khoảng gần 450 ngàn USD (15 ngàn USDx3).

Ông Thắng cho rằng đây là một số tiền lớn đối với công ty và Vimex không chấp nhận hình thức bán DDP (phải đóng bond). Theo ông, nếu không xuất được hàng đi Mỹ thì Vimex chọn thị trường khác. Bằng chứng là từ tháng 3/05 đến nay Vimex không xuất tôm sang Mỹ, chỉ xuất sang Nhật.

Đa số DN có cùng ý kiến như ông Thắng, nghĩa là đấu tranh để bán theo phương thức cũ. Một số DN như Minh Phú, Cofidec, Cửu Long Seapro đề nghị bán theo cả 2 phương thức nếu DN thỏa thuận được với nhau… Hiện cuộc họp vẫn chưa thể thống nhất được phương hướng giải quyết khó khăn trên của DN.

Theo một số DN xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật, trong tháng 3 và 4/05 vừa qua, giá tôm của VN xuất sang Nhật đã bị rớt giá khoảng 15%. Điều này cũng dễ hiểu vì khi thị trường Mỹ bị trục trặc thì nhiều DN quay sang xuất qua Nhật, Nhật biết rõ điều này nên ép giá DN VN.

Nhiều DN xuất khẩu cho hay, trong thời gian tới họ sẽ thâu mua tôm một cách dè dặt (mua theo hợp đồng đã ký), không mua nhiều dự trữ như các năm trước đây. Nhiều DN xuất khẩu tôm đã ngưng xuất hàng đi Mỹ nhưng hiện nay trên thị trường vẫn chưa thấy lượng tôm dư thừa vì thời điểm này là nghịch vụ tôm, khan hiếm hàng.

Các DN dự báo, trong 1 vài tháng nữa, khi tôm vào mùa vụ thị trường dư thừa tôm rất nhiều, giá tôm sẽ rớt thê thảm. Lúc ấy người nông dân sẽ là nạn nhân chính của các qui định về bond, review của Mỹ.

Theo VietNamnet

Dòng sự kiện: Vụ kiện Tôm