Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm
(Dân trí) - Với tốc độ tăng trưởng 8,4%, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á năm 2005. Tuy nhiên, theo dự báo của Uỷ ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì tốc độ tăng trưởng này sẽ giảm nhẹ trong năm 2006.
Thông tin trên do Ủy ban Kinh tế và Xã hội thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UN ESCAP) công bố tại báo cáo: “Kết quả điều tra kinh tế - xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2006” và nguyên nhân đựoc lý giải là vì tác động của dịch cúm gia cầm và cạnh tranh trong lĩnh vực hàng dệt may với Trung Quốc.
Bên cạnh đánh giá tác động về kinh tế vĩ mô của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu đối với các nền kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, báo cáo này cũng nêu bật nguy cơ dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng ở Việt Nam, đồng thời ca ngợi những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo.
Kết quả cuộc điều tra kinh tế và xã hội của Châu Á và Thái Bình Dương năm 2006 cho thấy: Ngành sản xuất là động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam và tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp được ghi nhận ở mức 10,6% trong năm qua. Các ngành có tốc độ phát triển rất ấn tượng là sản xuất phân bón, ô tô, máy công cụ và khai thác than. Ngành dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh với tốc độ 8,4% trong khi ngành nông nghiệp tăng 4%.
Xuất khẩu mậu dịch từ Việt Nam ước tính tăng khoảng 20% trong năm ngoái, nhờ có giá dầu thô trên thị trường quốc tế, hàng xuất khẩu chủ lực, và mặt hàng gạo tăng. Bên cạnh đó, nhập khẩu mậu dịch tăng 22,5% là do nhập khẩu sản phẩm dầu khí đắt đỏ hơn, hoạt động xây dựng mạnh mẽ dẫn tới tăng nhập khẩu sắt thép, nhu cầu tăng cao đối với phụ kiện ô tô, xe máy và hoá chất.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, khoản doanh thu từ lượng khách du lịch tăng được bù đắp cho lượng nhập khẩu lớn trong các ngành dịch vụ khác. Kiều hối từ Việt kiều vẫn rất lớn và thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai đã giảm từ mức -2% GDP trong năm 2004 xuống còn -0,9% GDP trong năm 2005.
Một ghi nhận rất đáng quan tâm của Uỷ ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về sự phát triển của Việt Nam nữa là về các dòng vốn. Những nỗ lực của Chính phủ để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được hưởng thành quả và ghi nhận, tổng mức FDI được cam kết đã vượt quá 3 tỷ USD, tăng 14,5%.
Sự hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một địa chỉ đầu tư cũng được khẳng định thông qua việc phát hành thành công trái phiếu chính phủ trị giá 750 triệu USD trên thị trường quốc tế vào tháng 10/2005.
Việt Nam cũng là một địa chỉ quan trọng tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), so với năm 2004, vốn ODA cho Việt Nam tăng nhẹ trong năm 2005. Do vậy, thâm hụt tài khoản vãng lai được bù đắp nhiều hơn nhờ các luồng vốn đầu tư vào, kết quả thu được là thặng dư cán cân thanh toán trong năm 2005.
Chính trong năm 2005, lạm phát của nước ta ở mức cao là 8,4% do sản xuất hàng hóa bị giảm vì ảnh hưởng của hạn hán và cúm gia cầm cũng như giá hàng nhập khẩu cao, bao gồm cả sản phẩm dầu khí, phôi thép và phân bón hóa học.
Trong tình hình hiện nay, Việt Nam có duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như năm 2005 không là một vấn đề lớn. Hơn nữa cúm gia cầm vẫn là nhân tố rủi ro cao nhất đối với nền kinh tế vì cho đến nay, chi phí kiềm chế dịch bệnh chiếm khoảng 0,1% GDP của Việt Nam.
Nguyễn Hiền