Toàn công ty đội lễ cầu cúng đầu năm

Làm ăn khó khăn cả một năm qua và chưa thấy nhiều triển vọng trong năm mới, nhiều DN đóng cửa hết tháng giêng, dành thời gian cầu cúng.

 DN biến văn phòng thành đàn tế

Trưa rằm tháng giêng, tiếng mõ của ông thầy cúng đều đều vọng ra từ trụ sở công ty MTV trong ngõ chợ Khâm Thiên - Hà Nội kéo dài cả vài tiếng đồng hồ. Bên trong trụ sở công ty, từ sếp đến nhân viên nghiêm trang quỳ gối trước ban thờ được sắp đặt đầy ắp các mâm lễ từ ngọt đến mặn.
Toàn công ty đội lễ cầu cúng đầu năm


Khói hương nghi ngút, ông thầy cúng trang phục khăn xếp áo the như liền anh kinh Bắc đang lầm rầm khấn vái. Chốc chốc, cả chục con người lại cúi rạp sát đất thi lễ sau tiếng mõ "keng"của ông thầy.

Lắng tai nghe, những lời cầu khấn, xin "lộc" cho quý doanh nghiệp câu được câu mất, đại ý "năm qua kinh tế khó khăn, mối làm ăn bị thu hẹp, thu nhập kém, nếu cứ đà ấy thì đến đóng cửa. Vậy cầu khấn cho doanh nghiệp năm nay vượt lên làm ăn bằng năm, bằng mười năm trước".

Loáng thoáng trong bài cầu khấn, có nhắc cả đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nợ công. Cho đến gói giải cứu BĐS, giảm thuế... mà các DN sẽ được hưởng.

Vừa chậm rãi đốt cả đống vàng mã, chị Nguyễn Kim Oanh, kế toán công ty rầu rầu: "Công ty tôi kinh doanh lĩnh vực linh kiện điện tử. Năm vừa rồi công ty gần như không làm được bao nhiêu trong khi chi phí và nợ ngân hàng vẫn phải chi trả đều đặn. Những tháng cuối năm thậm chí anh em đã bị chậm lương. Tết đến, ban giám đốc phải chạy ngược chạy xuôi lo trả lương cho anh em để ăn tết chứ không có thưởng".

Chị Oanh cho biết, tháng cuối năm không làm ăn được, cả sếp lẫn nhân viên thi nhau đi xem bói, cúng lễ chu đáo xong thầy phán phải cúng cho toàn thể công ty vào đúng ngày rằm.
Y lệnh thầy, lễ lạt được chuẩn bị chu đáo và toàn thể công ty không một ai vắng mặt. Tất cả điều nghiêm túc từ người già cho đến gái trẻ mới vào đều quỳ đội lỗ cúng bái.

Là chủ doanh nghiệp kinh doanh sắt thép đã nhiều năm, với sản nghiệp khá vững vàng, năm 2012, anh Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Công ty TNHH Hùng Anh mất cả tỷ đồng khi làm ăn bê trễ, đối tác phá sản khiến anh phải cho nhân viên nghỉ việc gần một nửa.

"Năm nào gia đình tôi cũng về Thái Nguyên ăn tết với ông bà nội nhưng năm nay thì khác, tôi đi xem thầy nói tuổi tôi phải làm lễ cúng tại nơi đặt công ty (trên đường Phạm Văn Đồng - Hà Nội) đúng ngày mùng 2 tết".

Để có được lễ cúng giải hạn, cầu một năm làm ăn khấm khá, vợ chồng anh Hùng đã phải ngược xuôi sắm lễ từ trong tết. Đúng ngày mùng 2 tết, anh Hùng đánh xe về tận Bắc Ninh đón thầy ra. Theo yêu cầu của thầy, kế toán trưởng và trưởng phòng kinh doanh của công ty anh Hùng cũng ngậm ngùi bỏ ngày tết để đến trụ sở công ty thực hiện các nghi thức do thầy cúng sắp đặt.

Anh Hùng kể, những ngày cuối năm, mấy anh em cùng kinh doanh ngành thép ngồi với nhau và cùng nhận định năm 2013 sẽ còn vô cùng khó khăn nên khuyên nhau nên lễ lạt cho chu đáo.

Theo anh Hùng, có những doanh nhân đi lễ tới 12 đền, phủ suốt từ cuối năm cũ đến đầu năm mới. Riêng anh Hùng, sau lễ cúng ở trụ sở công ty, vì có căn số nên anh sẽ phải theo lễ tại một vài phủ, điện nữa mới mong cơ hội làm ăn sáng sủa trong năm mới. Vì thế, cả tháng giêng cơ quan anh gần như đóng cửa, mọi người chuyên tâm vào "nghiệp vụ" đi chùa và cầu cúng.

Cầu may được lo

Tuy chỉ kinh doanh một sạp hàng tạp phẩm vào hạng vừa ở chợ Trương Định xong bà Nguyễn Thị An đã "mở hàng" năm mới bằng một lễ cúng ngay tại kiot trong chợ khá hoành tráng.

Sáng ngày mùng 6, vàng mã được chở đến trên một chiếc xe 4 bánh đầy chặt. Thầy cúng rải ngay chiếu, mõ, sách ra trên nền chợ. Khói hương nghi ngút. Nhiều bạn hàng của bà An cũng gác lại hàng hóa ngồi kính cẩn nghe thầy gõ mõ, cũng lễ thành tâm.

Bà An cho biết: "Tuy không buôn bán lớn nhưng năm vừa qua buôn bán ế ẩm. Ngay cả tết là dịp kiếm ăn chính của cả năm mà cũng ế ẩm. Ngày mùng 6, tôi vừa mở hàng lấy ngày vừa soạn lễ cúng để mong năm nay làm ăn bớt ế ẩm hơn. Sạp hàng này nuôi cả gia đình tôi và hai cháu đang học đại học nên tôi đã bấm bụng bỏ ra 10 triệu cho cái lễ này đấy".

Bà An cũng kể thêm, nhiều người buôn bán lớn ở mặt phố gần chợ còn lễ "đúp", nghĩa là lễ chính rồi lại lễ tạ lại luôn để thấu được tới tận đức thánh thần. "Năm nay, người ta bỏ tiền ra lễ nhiều hơn những năm. Thôi thì cố gắng lo lễ cho chu đáo, còn yên tâm mà làm ăn. Riêng tôi, ngoài lễ ở sạp, tôi còn phải đi mấy đền, phủ nữa, mỗi nơi dăm triệu nữa mới xong".

Cười buồn khi được hỏi yếu tố khá tế nhị là chi phí cho việc cúng lễ, chị Oanh, kế toán công ty MTV cũng bật mí chi phí vào khoảng trên 20 triệu. Tuy công ty đang làm ăn khó khăn xong theo chị Oanh, không cúng lễ không ai yên tâm và lo lắng nhiều nên phải cố.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng lại đang thu xếp cho chuyến đi lễ cùng với các doanh nghiệp bạn tại các tỉnh miền Trung. Con số tiền chi cho việc lễ bái đầu năm được anh bật mí khiến không ít người giật mình: "Trên dưới 150 triệu". Nghe ra không hợp lý vì khó khăn thì phải tiết kiệm song đã là cái lệ nên DN nào cũng cố cho nó chu toàn đầy đủ.

Theo Hoàng Mai

VEF