Toàn bộ 6.000 ngân hàng tại Eurozone sẽ bị giám sát chặt chẽ

(Dân trí) - Kết thúc phiên họp ngày 19/10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã đi đến quyết định đặt toàn bộ 6000 ngân hàng tại 17 quốc gia thành viên Eurozone dưới sự giám sát của ngân hàng trung ương châu Âu ECB.

Đây được xem như nỗ lực mới nhất nhằm củng cố việc giám sát thực thi luật pháp trong hệ thống ngân hàng các nước sử dụng đồng Euro. Đồng thời động thái này cũng là bước tiến lớn của EU trong việc tiến tới một liên minh ngân hàng duy nhất, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2013.

ECB sẽ giám sát toàn bộ các ngân hàng tại Eurozone
ECB sẽ giám sát toàn bộ các ngân hàng tại Eurozone

Để đi đến được quyết định này, các quốc gia tham dự cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ đã phải rất khó khăn mới có được sự đồng thuận, nhất là giữa Pháp và Đức, những nước có quan điểm khác xa nhau. Trong khi Pháp muốn thúc đẩy việc đặt các ngân hàng trong khối dưới một cơ quan giám sát châu Âu duy nhất vào cuối năm nay thì Đức lại chỉ muốn việc này được thực hiện với các ngân hàng lớn nhất EU.

Với quyền lực giám sát mới, ECB sẽ có thể hành động sớm hơn để ngăn chặn việc nợ xấu tại bất kỳ ngân hàng nào trong khu vực tăng cao gây nguy hiểm cho hệ thống. Phát biểu tại Brussels, thủ tướng Anh khẳng định London ủng hộ kế hoạch này đồng thời hối thúc nhanh chóng triển khai một liên minh ngân hàng thống nhất cho toàn Eurozone.

Trong khi đó thủ tướng Đức bà Angela Merkel lại lo ngại kế hoạch này có thể không hoàn thành đúng hạn mặc dù hài lòng với thiện chí chính trị của các nước. “Hiện vẫn còn những câu hỏi phức tạp cần làm rõ và chúng ta hãy đợi xem liệu trong tháng 12 chúng ta có thể hoàn thành hay không. Vào thời điểm hiện tại thiện chí chính trị đã có”.

Một khi quá trình nhất thể hóa hệ thống ngân hàng khu vực Eurozone hoàn thành, ECB có thể bơm tiền thẳng tới ngân hàng gặp khó khăn để giải cứu mà không làm tăng nợ công của quốc gia đó. Hiện việc vay tiền của ECB để giải cứu các ngân hàng thường phải do chính phủ các nước thực hiện. Việc này khiến nợ công của quốc gia đó tăng cao mà trường hợp của Tây Ban Nha là ví dụ điển hình.

Trong phát biểu mới nhất, thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định nước này không có nhu cầu xin giải cứu tiếp từ EU sau khi đã được cam kết cho vay 100 tỷ euro để hỗ trợ hệ thống tài chính.

“Tôi sẽ không để ý tới những áp lực mà người ta áp đặt lên tôi nhưng sự thực là không có ai làm vậy”, ông Rajoy nói. “Không có nhà lãnh đạo EU nào nói với tôi rằng tôi nên sử dụng cơ chế giải cứu mà ECB vừa thông qua”.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg