1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tỉnh lẻ “gồng mình” hậu tăng giá xăng dầu

(Dân trí) - Đi đâu, từ doanh nghiệp cho đến người dân chạy xe ôm, nông dân ở tỉnh lẻ Hà Tĩnh những ngày này đều cảm nhận được sự vất vả của cuộc sống, kinh doanh thời xăng dầu tăng giá.

Những ngày này, ông Ngô Đức Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh như ngồi trên đống lửa vì những khó khăn xuất phát từ câu chuyện giá xăng dầu tăng.

Làm thế nào để 24 xe khách sử dụng dầu diezel trên tuyến đường dài vẫn tiếp tục hoạt động là một bài toán khó mà ông Hùng cũng như các thành viên trong công ty phải đau đầu tìm lời giải. 

Nếu tính mỗi lít dầu tăng 2.000 đồng, thì mỗi chuyến xe từ Hà Tĩnh vào TPHCM công ty này sẽ phải bù thêm 1,8 triệu đồng tiền nhiên liệu. Không thể cắt giảm bất cứ chi phí nào trong hành trình vậy là ông Hùng phải quay lại “lời giải cũ” bằng cách tăng giá vé.

Đó cũng là điều mà từ hơn một tuần nay mỗi hành khách đi từ Hà Tĩnh vào TPHCM buộc phải trả thêm cho nhà xe 40.000 đồng/vé. “Buộc lòng chúng tôi phải điều chỉnh giá vé tăng từ 10 - 15%. Chúng tôi phải tăng giá bởi khi nhiên liệu tăng thì không phải một mình kinh doanh vận tải tăng, mà nhiều mặt hàng khác như săm lốp, công sửa chữa... đều tăng lên” - ông Hùng cho biết.

Công ty TNHH Taxi Mai Linh Hà Tĩnh cũng đang gánh chịu sức ép sau tăng giá xăng dầu. Hầu hết tài xế taxi của công ty này đều thừa nhận, từ sau khi giá xăng tăng lượng khách đi xe đã giảm hẳn.

Và cũng như Công ty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh, Mai Linh “đá” giá xăng sang cho khách hàng với quan điểm “Không tăng giá thì chúng tôi sẽ chết!”. Tuy nhiên dù đã tăng đến 500 đồng/km nhưng taxi Mai Linh khẳng định họ sẽ vẫn phải bù lỗ trong thời gian tới…

“Vẫn chưa khổ bằng bọn ni” - một nhóm người chạy xe ôm đứng đầu đường Nguyễn Du, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh đang rầu rĩ vì vắng khách bỗng thốt lên khi được hỏi về tác động của giá xăng dầu tới miếng cơm manh áo của họ.

Người đầu tiên kể về cuộc sống khốn khổ của những người chạy xe ôm là anh Tuân (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh). “Tui hành nghề xe ôm đã được 4 năm nay. Tất cả mọi trang trải trong cuộc sống gia đình đều trông cả vào chiếc xe hai bánh này. Xe lăn thì sống, không lăn chỉ có nước ngồi chờ chết” - anh Tuân kể.

Nói là long đong như đời xe ôm nhưng với anh Tuân, khi các hãng taxi chưa xuất hiện nhiều, đặc biệt giá xăng dầu còn thấp thì “đời hai bánh” còn sống được. Trung bình mỗi ngày vừa chạy vừa chơi anh Tuân vẫn kiếm được cả trăm ngàn mang về cho vợ con.

Còn bây giờ thì sao?. “Không có nghề chi nên vẫn bám trụ với hai bánh mà thôi” - anh Tuân mệt mỏi trả lời. “Ngày trước chiếc xe chỉ “uống” cỡ 35.000 tiền xăng là đủ để chạy suốt cả ngày, còn bây giờ để cho nó “uống no” phải gấp rưỡi chừng ấy tiền”. 

Cái khốn khổ như anh Tuân nằm ở chỗ, tiền xăng tăng nhưng khách đi xe “lại không biết?”. Anh Tuân thở dài: “Cũng quãng đường ấy, thường mình lấy cố định họ vài chục ngàn, chỉ sau một tuần đã cao hơn dễ gì họ chấp nhận. Giá xăng tăng, những người đầu tiên học cách ứng xử chính là cánh chạy xe hai bánh này!”.

Tiếp xúc với những người nông dân ở Hà Tĩnh vào những ngày khô hạn này chúng tôi cũng cảm nhận được sự “ngột ngạt” của giá xăng dầu tăng ngay trên những cánh đồng khô hạn của họ.

Một cán bộ xã Lộc Yên, huyện miền núi Hương Khê khi trò chuyện với chúng tôi đã cho hay, cơn lũ lịch sử trong năm 2006 vừa qua đã tàn phá hết hệ thống kênh mương nội đồng, trong khi đập Khe Táy thì đang dang dở.

Vậy là những cánh đồng lúa hè thu của chúng tôi đành phải... nhờ trời. Khốn nỗi, đã khá lâu ở đây không có mưa lớn, những cơn mưa đầu mùa chỉ đủ làm cỏ ruộng thêm hồi sinh.

Để cứu vãn tình hình nhiều hộ nông dân đã có ý định quyên góp tiền mua máy bơm nước nhưng chưa mua được máy bơm thì giá dầu đã tăng chóng mặt. Tiền lúa chưa chắc đã đủ trả tiền dầu, thế là họ đành để cho những đám ruộng khô cằn, thiếu nước.

Giá xăng dầu tăng đang khiến những người dân ở tỉnh lẻ Hà Tĩnh “toát mồ hôi”. Biết là thế, nhưng giảm cái khổ ấy, không dễ!

Phương Thủy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm