Tín dụng tăng trưởng nhanh: Lo đồng bạc chạy vòng quanh!

(Dân trí) - Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 cho biết, tăng trưởng tín dụng đến 27/11 đã tăng 10,22% so với cuối năm 2013. Câu hỏi đặt ra liệu bao nhiêu % tín dụng tăng mới đổ vào nền kinh tế, sản xuất, bao nhiêu tăng trưởng là kỹ thuật?

Tính đến 27/11, tăng trưởng tín dụng đã tăng 10,22% so với cuối năm 2013. Nếu so với con số ngày 30/10 là 8,63% thì tín dụng đã có một bước nhảy vọt. Còn nếu so với con số ngày 24/10 là 7,85% thì tín dụng cũng đã có bước nhảy khá dài.

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, dự báo năm nay tăng trưởng tín dụng có khả năng đạt 13%, nằm trong mục tiêu đề ra là từ 12-14%.

Tăng trưởng tín dụng đến 27/11 đã đạt 10,22% so với cuối năm 2013.
Tăng trưởng tín dụng đến 27/11 đã đạt 10,22% so với cuối năm 2013.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Hình ảnh thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông gây sốt

* Bộ Tài chính lên tiếng về khoản thưởng tiền tỷ cho các nhà thầu

* “Tôi tin, Uber không có động cơ kinh doanh trái phép”

* “Dở khóc, dở cười” khi đặt vé tàu qua mạng

* Việt Nam nhập khẩu than:Nghịch lý bán đi rồi lại mua về

* Điều chưa kể về người vợ được Bầu Đức dấu kín

Còn nhớ, hồi đầu tháng 11, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Tính đến 31/10, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,63% nhưng cơ quan này sẽ không điều chỉnh mục tiêu và tăng trưởng tín dụng đạt 12-14% trong năm 2014.

Theo ông Đông, mức tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm chưa cao là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tổng cầu giảm và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp.

“Với việc chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra của ngành ngân hàng, cũng như quy luật tín dụng thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm, NHNN tin tưởng và không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12-14% trong năm 2014”, ông Đông nhấn mạnh.

Ông Đông cho rằng, cuối năm nhu cầu vay của các doanh nghiệp thường tăng cao vào cuối năm nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường, tăng vào các dịp như tết dương lịch, tết nguyên đán...

”Bản thân các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cũng đẩy mạnh hoạt động để hoàn thành mục tiêu kinh doanh cả năm. Tín dụng cũng vì thế tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu là bình thường”, ông Đông cho hay.

Theo khẳng định từ một số chuyên gia kinh tế, tăng trưởng tín dụng sẽ cán đích mục tiêu 12 - 14% như đã đề ra. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, với chu kỳ của nền kinh tế thì nhu cầu tín dụng cuối năm thường tăng lên, nên việc tăng trưởng thêm 2% trong tháng cuối năm là không khó. Bởi thời điểm này, Chính phủ cũng có nhu cầu tín dụng, người dân cũng có nhu cầu tín dụng. Đặc biệt, với sự cổ động của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đang ráo riết thúc đẩy tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, tăng trưởng tín dụng cũng không loại trừ yếu tố kỹ thuật. Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong quá khứ, một số ngân hàng đã sử dụng biện pháp tăng trưởng kỹ thuật để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Ví dụ như, ngân hàng B cho một doanh nghiệp A vay tiền và doanh nghiệp này lại đem khoản tiền này đến chính ngân hàng đó để gửi tiết kiệm để thế chấp cho khoản vay mới. Hoặc doanh nghiệp có tiền mặt đem đến ngân hàng gửi tiền và ngân hàng dùng tiền này để cho chính doanh nghiệp đó vay. Trường hợp này chỉ xảy ra với những doanh nghiệp là sân sau, công ty con, công ty thành viên của ngân hàng.

Cho rằng, cách làm này không gây rủi ro cho ngân hàng và doanh nghiệp nhưng theo vị chuyên gia này, trong điều kiện hiện nay, ngân hàng không nên áp dụng cách này. Và quan trọng hơn, với việc tăng trưởng tín dụng theo chu kỳ như vậy, liệu có ý nghĩa gì với tăng trưởng của nền kinh tế, của khu vực sản xuất?

Con số mà Tổng cục thống kê vừa đưa ra về chỉ số giá cả 11 tháng chỉ là 2,6%, thấp hơn rất nhiều so với con số dự đoán của các chuyên gia trước đó. Một chuyên gia tài chính cho hay, lạm phát là vấn đề có thể dự báo sớm.

"Lạm phát như cơ thể của con người. Việc lạm phát đến nay chỉ 2,6% là điều có thể báo trước bởi nền kinh tế không hấp thụ được. Điều này đã được nói rất nhiều, thực tế là ngân hàng không cho vay được, tín dụng mới chuyển dịch được có mấy tháng gần đây. Về cơ bản là rất khó. Chỉ có điều, lạm phát thấp như thế, tín dụng thấp như thế mà tăng trưởng của nền kinh tế vẫn ở mức chấp nhận được 5,5% - mức mà theo đánh giá hiện nay như thế là cao, chứ không phải thấp", vị chuyên gia này bình luận.

Nguyễn Hiền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”