1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tìm lại “vai diễn” cho doanh nghiệp nhà nước

Không thể xóa bỏ vai trò của DNNN trong nền kinh tế, nhưng những yếu kém bộc lộ vừa qua cho thấy, tái cấu trúc khu vực này đang ở mức "nước sôi lửa bỏng".

Tìm vai diễn nào phù hợp cho những đứa "con cưng" của mô hình kinh tế cũ quả là không dễ trong khi đông đảo nhân dân coi đây phải là cuộc cách mạng lớn triệt tiêu lợi ích nhóm.

 

"Hai mươi năm qua, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam là một quá trình đầy mâu thuẫn, trăn trở và đau đớn. Giờ đây, cuộc cải cách này còn khó khăn hơn rất nhiều, vì liên quan đến ý thức hệ và tới những nhóm lợi ích hùng mạnh trong nền kinh tế... Vượt qua tất cả những điều đó phải là sự quyết liệt mạnh mẽ".

 

Đó là chia sẻ của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại cuộc hội thảo bàn về tái cấu trúc DNNN do Bộ Tài chính chủ trì tổ chức hôm 15/11. Tái cấu trúc DNNN không còn là chủ đề khoa học phải nghiên cứu lâu dài trên giấy mà đến nay, đã đòi hỏi ở mức báo động đỏ, được ví như tình trạng nước sôi, lửa bỏng.

 

Như lời vị chuyên gia kinh tế này, đúng là thật đau đớn khi nhìn lại các con số sơ bộ về tình hình hoạt động của DNNN, chân dung những quả đấm thép này lại không sáng sủa.

 

Tính tới hết năm 2010, cả nước có 1.207 DNNN là công ty TNHH một thành viên và 1.900 DN mà Nhà nước có cổ phần chi phối. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê năm 2011, hàng năm có khoảng 12% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, trong khi khu vực DN nói chung là 25%.

 

Tuy nhiên, mức lỗ bình quân của một DNNN lại cao hơn 12 lần so với các doanh nghiệp khu vực khác. Chỉ tiêu hệ số thu nhập trên tài sản và hệ số thu nhập vốn cổ phần của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 20,8%, thua xa khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài.

 

Trong khi đó, khu vực DNNN lại được hưởng quá nhiều ưu đãi. Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho hay, DNNN chiếm tới 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% vốn ODA.

 

Doanh nghiệp Nhà nước chỉ nên diễn một vai

 

DNNN dù có yếu kém, có xấu xí thế nào thì cũng là của cải, con người của chính chúng ta. Bóc trần những yếu kém của DNNN, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra mối tơ vò hàng chục năm nay suy cho cùng cũng nằm ngay trong chính lý luận, quan điểm, mục tiêu phát triển DNNN vừa qua.

 

Đơn cử như "tham vọng" đa mục tiêu, đa nhiệm vụ đặt lên vai các thể thức DN này. DNNN vừa phải là DN hướng tới lợi nhuận và hiệu quả, đặt trong môi trường kinh doanh cạnh tranh, nhưng vừa phải là công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô và xã hội. "Có hay không một DN có thể làm tròn cả hai vai diễn đó", TS Võ Trí Thành tỏ ra hoài nghi.
 
Tìm lại “vai diễn” cho doanh nghiệp nhà nước  - 1
Theo TS Võ Trí Thành, tái cấu trúc DNNN là một quá trình đầy mâu thuẫn, trăn trở và đau đớn đòi hỏi sự quyết liệt mạnh mẽ.

 

TS Võ Trí Thành thẳng thắn phê phán, việc đánh giá DNNN hiện nay vẫn chưa sâu sắc. Những vấn đề so sánh theo chi phí cơ hội giữa một DNNN với một DN tư nhân hay một DN FDI  khi trên một đồng vốn trong cùng một lĩnh vực sẽ làm lợi cho DN như thế nào? Hay, ở vai trò là công cụ ổn định kinh tế, DNNN làm tốt hay xấu thêm, đã thực sự giữ bình ổn hay gây thêm hỗn loạn như xăng dầu, lương thực?...

 

"Chúng ta mới chỉ đánh giá về DNNN một cách chung chung đã nhìn thấy như chưa hiệu quả, sức lan tỏa kém... mà đáng ra phải cụ thể hơn nữa", ông Thành nói.

 

Đồng tình với mối hoài nghi trên, ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ, Bộ Tài chính cũng cho rằng, hai mục tiêu này mâu thuẫn nhau thì không DN nào làm tốt cả hai được. Thậm chí, cơ chế hiện nay còn không phân biệt rõ DNNN có mục tiêu chính là gì, mục tiêu phụ là gì?

 

"Nếu mục tiêu của DNNN là hiệu quả thì họ phải đa ngành đa nghề, còn nếu mục tiêu chủ chốt là nhiệm vụ chính trị - xã hội thì hoạt động sẽ khác", ông Thường phân tích.

 

Theo kiến nghị của ông Thường, nên chăng chúng ta chỉ xác định DNNN đơn thuần là công cụ thực hiện một số mục tiêu (như vấn đề an ninh quốc phòng, hạ tầng, khoa học công nghệ cao... ). Còn nếu chúng ta vẫn xác định DNNN là chủ đạo, quả đấm thép thì không thể thay đổi tư duy tái cấu trúc được. Sự tồn tại và vai trò của DNNN là vấn đề lịch sử mô hình kinh tế để lại và giờ, nếu dùng chữ "chủ đạo" thì DNNN chỉ nên làm ở một số lĩnh vực cần thiết.

 

Cổ phần hóa, "lên sàn" và sức ép của sự minh bạch

 

Tái cấu trúc DNNN không phải là khai tử thể thức DN này mà là làm cho hệ thống DN này hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế quốc gia trong mô hình kinh tế thị trường. Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, điểm mấu chốt quan trọng cần giải quyết là quản trị doanh nghiệp trong DNNN. Theo đó, hai yếu tố phải đạt được là sự minh bạch và giảm thiểu những xung đột nội tại của khu vực DN này.
 
Tìm lại “vai diễn” cho doanh nghiệp nhà nước  - 2
Vinashin là một bài học đau xót khi buông lỏng quản lý DNNN.

 

TS Võ Trí Thành cảnh báo, ở DNNN sẽ luôn tồn tại hai vấn đề muôn thuở không thể giải quyết tận cùng được mà chỉ có thể giảm thiểu. Thứ nhất là vấn đề cơ chế người đại diện chủ sở hữu Nhà nước và xung đột lợi ích, như xung đột lợi ích lớn giữa vị công chức làm CEO và ông chủ tịch HĐQT. Vấn đề lớn thứ hai là rủi ro đạo đức trong hoạt động của DNNN. Vì nơi đây, có "tiền chùa" và ranh giới mong manh giữa kiểu "làm liều" và trách nhiệm đảm bảo hiệu quả tổng thể.

 

Theo TS Võ Trí Thành, để giảm thiểu những mâu thuẫn đó, cơ chế quản lý hoạt động DNNN cần phải tăng tính thị trường, tính cạnh tranh và tăng giám sát.  Và hơn hết, vấn đề quản trị DNNN phải được "hợp chuẩn" theo quốc tế.

 

Các chuyên gia kinh tế đều thống nhất, giải pháp cải cách hữu hiệu, khả thi và nhanh chóng đi vào thực tế nhất cho các DNNN hiện nay chính là đẩy mạnh ngay chương trình cổ phần hóa.

 

Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng, thực tế đã chứng minh, các DNNN đã cổ phần hóa tham gia thị trường chứng khoán đều có hiệu quả hơn các DNNN khác. Pháp luật minh bạch sẽ ép DN phải thực hiện kỷ luật tài chính.

 

Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa cổ đông Nhà nước và cổ đông bên ngoài luôn tồn tại. Nhiều  khi cổ đông Nhà nước đã chèn ép để công ty đưa ra các quyết định có lợi cho cổ đông Nhà nước. Ví dụ khi thị trường chứng khoán tăng lên, cổ phần phát hành ra theo nguyên tắc phải phân phối đều nhưng cổ đông Nhà nước sẽ đưa ra nhiều lý do để đòi hỏi thêm phần nữa...

 

Nói cách khác, những mẫu thuẫn, xung đột lợi ích trong DNNN cần được xác định như một "đặc điểm tự nhiên" và quá trình tái cấu trúc phải giảm thiểu những điểm mâu thuẫn này.

 

Cũng như nhiều ý kiến khác, bà Liên cho rằng cần thành lập Ủy ban chuyên trách về tái cấu trúc DNNN để giải quyết hàng loạt các câu chuyện vi mô như phân định rõ ràng về quyền và trách nhiệm giữa chủ sở hữu Nhà nước với các sở hữu bên ngoài, những việc như thuê những CEO tài giỏi, cơ chế đào tạo, nâng cao kiến thức về quan trị của những người thay mặt Nhà nước nắm quyền ở DN, vấn đề tìm đối tác chiến lược và một nhóm chuyên gia hỗ trợ cho chương trình tái cấu trúc.

 

Hôm 14/11, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính phải công khai báo cáo tình hình tài chính và hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty. Phải chăng, đây sẽ là tín hiệu đầu tiên của một cơ chế mới trong quản lý hoạt động của các DNNN tới đây.

 

Theo Phạm Huyền
VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm