“Tiêu hoá” vốn còn kém

(Dân trí) - Nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam tăng lên kỷ lục, thị trường chứng khoán cũng hâm nóng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay là khả năng “tiêu hoá” nguồn vốn này còn thấp.

Thị trường chứng khoán phải minh bạch

Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, kết thúc năm 2007, dù phải đối phó với cơn sốt giá dầu thế giới, thiên tai dịch bệnh... kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, đạt 8,5%.

Tổng giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu xấp xỉ 40% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 17% GDP. Năm 2007 cũng là năm gia tăng mạnh mẽ của luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt trên 20 tỷ USD.

Điều này thể hiện tầm quan trọng của các nhà đầu tư đối với thành tựu phát triển kinh tế mạnh mẽ, cùng với quyết tâm cải cách tổng thể của Việt Nam về nền kinh tế xã hội khi đã trở thành thành viên của WTO.

Cũng trong năm 2007, Chính phủ tiếp tục thể hiện quyết tâm cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước khi cho công bố lộ trình cổ phần hoá đến năm 2010 của các doanh nghiệp lớn đang hoạt động trong các lĩnh vực được coi là nhạy cảm, như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, điện lực…

Với việc tiến hành chào bán thành công ra công chúng của Tập đoàn tài chính Bảo Việt, và Ngân hàng Vietcombank mới đây, đã cho thấy bước đi đúng đắn của lộ trình này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ninh cũng thừa nhận, hiện nay Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức về lạm phát, nhất là khả năng hấp thụ vốn còn quá kém. Để Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 8,5 - 9% trong năm 2008, việc cần phải làm ngay là đề ra các giải pháp để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Ông Martin Rama, quyền giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đặt vấn đề, chính phủ Việt Nam đã có biện pháp gì để cải thiện khả năng “tiêu hoá” vốn của nền kinh tế trong khi số vốn FDI hiện đang bị ứ đọng rất lớn?

Làm gì để “tiêu hoá” vốn nhiều hơn?

Để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và hấp dẫn các nhà đầu tư đến với Việt Nam, Bộ trưởng Ninh cho rằng, trong thời gian tới sẽ chú trọng đến việc điều hành chính sách kinh tế, tài chính tiền tệ linh hoạt, bảo đảm kiềm chế lạm phát.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, để nâng cao khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế và phát triển thị trường chứng khoán bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của khu vực này.

Tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp cần phải tiếp tục được thực hiện theo lộ trình đã công bố. Hình thức quản lý nguồn vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp cũng phải thay đổi từ cơ chế hành chính sang cơ chế đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thông qua Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước.

Riêng đối với thị trường vốn, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính - bà Lê Thị Băng Tâm nói, trong thời gian tới cần tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý theo luật Chứng khoán và phát triển các định chế trung gian, dịch vụ thị trường, phát triển thị trường giao dịch.

Phấn đấu giá trị vốn hoá đến năm 2010 đạt 50% GDP và 70% GDP vào năm 2020. Ngoài ra, để đảm bảo phát triển ổn định thị trường tài chính, Chính phủ cần quản lý, giám sát có hiệu quả hoạt động thị trường tài chính và dịch vụ tài chính ở tất cả các lĩnh vực, như ngân hàng, bảo hiểm, chúng khoán…

Trần Hưng