Tiết lộ của tay buôn đá quý tại khu chợ triệu đô giữa lòng Hà Nội

Tay buôn đá tiết lộ, đá được bày bán trong chợ phiên này không phải loại nào cũng là đá thật mà còn có cả đá nhân tạo sản xuất ở Trung Quốc.

Đá quý trăm triệu được bán như mớ rau

Khoảng 6 năm nay, cứ vào Chủ nhật hàng tuần, các tay buôn đá quý từ Yên Bái và các tỉnh thành lại tụ tập về địa chỉ số 456 Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) họp chợ. Đây là chợ phiên đá quý duy nhất, mở mỗi tuần 1 lần tại Hà Nội cho đến thời điểm này.

Chợ được giới kim hoàn và người sưu tầm đá quý gọi là ‘Khu chợ triệu đô’. Nhiều viên đá quý từng được bày bán ở đây có giá trị lên tới cả trăm triệu đồng.

Tiết lộ của tay buôn đá quý tại khu chợ triệu đô giữa lòng Hà Nội - 1

Chợ phiên đá quý ở Hà Nội.

8 giờ sáng, người viết có mặt tại chợ. Qua quan sát, có hơn 20 sạp hàng ở chợ. Mỗi tiểu thương chỉ xách một chiếc túi du lịch nhỏ. Nếu gặp họ ngoài đường, chẳng ai nghĩ bên trong chiếc túi đó là cả một ‘gia tài’.

Họ bày biện những viên đá quý hình thù đa dạng, từ thô đến chế tác tinh xảo, đủ màu sắc có giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng lên chiếc bàn gỗ.

Từng tốp khách thăm quan khắp các sạp hàng, chăm chú dùng đèn pin mini soi đường vân đá, độ trong của ngọc.

Tiết lộ của tay buôn đá quý tại khu chợ triệu đô giữa lòng Hà Nội - 2

Những viên đá quý từ dạng thô đến chế tác tinh xảo có giá trị được bày bán la liệt. 

Bà Thiết (SN 1964, Yên Bái) - một dân buôn đá quý lâu năm cho hay: ‘Chợ họp mang tính chất kích cầu mua bán, giới thiệu hàng hóa, vừa là câu lạc bộ để gặp gỡ các đồng nghiệp trong nghề, trao đổi kinh nghiệm. Khách đến, dù mua hay không, cũng không bị chủ hàng khó chịu, kể cả vào ngày mùng Một. Người bán chủ yếu đến từ Yên Bái, Hà Nội và Nghệ An’.

Người phụ nữ này cho biết, giá của những viên đá quý tùy thuộc vào chất lượng, màu sắc và tuổi đời của đá.

Nhiều viên đá chỉ bé bằng đầu ngón tay cái nhưng có giá vài chục triệu đồng, trong khi nhiều viên to chỉ có giá vài trăm nghìn là chuyện bình thường. Để chứng minh, bà Thiết chỉ vào viên ngọc trên mặt bàn nói: ‘Viên đá thô này 16 triệu, chưa mài giũa’.

Theo lời người phụ nữ sinh năm 1964, những viên đá được giao dịch ở đây cao nhất chỉ dao động từ vài chục triệu đến trăm triệu. Viên đá có giá trị tiền tỷ thường được giao dịch miệng. Khách ưng, người bán mời đến nhà hoặc địa điểm an toàn nào đó giao dịch, vì sợ bị cướp.

'Tôi vừa bán hàng thô, vừa bán mặt hàng chế tác sẵn. Khách phần lớn là người Việt Nam, du khách nước ngoài cũng đến nhưng họ chủ yếu thăm quan, chụp ảnh là chính', bà Thiết nói.

Bà Thiết rỉ tai, khách đến đây, có nhiều ông chủ buôn giàu có nhưng trông lại rất tuềnh toàng. Đôi khi họ ăn mặc sơ sài, xách chiếc túi bình dân nhưng khi gặp được hàng đẹp, quý hiếm, họ sẵn sàng rút tiền đặt cọc, bất kể viên đá đó có mức giá ra sao.

Bà chia sẻ thêm, khách ưng thì giao tiền, lấy đá về. Mọi thủ tục nhanh gọn, mua bán như mớ rau, không cần phải giấy tờ.

Thú săn đồ của tay buôn đá quý

Ngồi nép trong góc chợ là sạp hàng của người đàn ông có nước da bánh mật, người gầy gò. Anh tên Triệu Khải (SN 1980, người Nam Định), từng làm rất nhiều công việc nhưng sẵn đam mê săn lùng đá quý nên anh ‘chung thủy’ với nghề này ngót nghét hơn chục năm.

Tiết lộ của tay buôn đá quý tại khu chợ triệu đô giữa lòng Hà Nội - 3

Anh Khải bày đá lên sạp.

‘Làm nghề đá quý đòi hỏi phải có kinh nghiệm nhìn đá, phân loại đá. Tôi thường lên Lục Yên (Yên Bái), sang Mianma, Srilanka… lùng đá quý. Thái Lan tôi cũng hay sang nhưng đất nước này hiện không có mỏ, chỉ là nơi trung chuyển hàng sang các nước Campuchia, Lào, Việt Nam.

Ở đâu người ta mách có nguồn hàng đẹp là tôi xách balô lên đường. Tôi đã đi gần hết các nước châu Á’, anh Khải khẳng định.

Đặc biệt, anh Khải giao tiếp bằng tiếng Anh khá tốt. Anh cho biết, lăn lộn sang các nước khác, nếu không có ngoại ngữ, sẽ gặp nhiều trở ngại.

Tay buôn đá tiết lộ, đá được bày bán trong chợ phiên này không phải loại nào cũng là đá thật mà còn có cả đá nhân tạo sản xuất ở Trung Quốc. Tất nhiên, giá thành của những loại đá nhân tạo rẻ, giá chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu.

‘Nếu tôi muốn kiếm được nhiều tiền, giàu nhanh, tôi lấy hàng đó về bán, vừa lãi, giá thành rẻ, phù hợp túi tiền người mua. Khách không biết, chắc chắn sẽ chọn hàng rẻ, chẳng ai bỏ ra tiền triệu mua viên đá bé xíu về đeo. Đá quý thì không rẻ mà đá rẻ không phải đá quý’, người đàn ông quê Nam Định nhấn mạnh.

Anh chia sẻ, đá thật thường có tì vết, đá nhân tạo bóng và hoàn hảo từng đường nét. 

‘Tôi ít buôn đá nhân tạo mà ‘say’ đá thật hơn. Số hàng tôi mang theo người là phần nhỏ, ở nhà trữ số lượng nhiều hơn.

Lúc thị trường bị chững, lượng hàng không lưu thông được, mất vài năm tôi mới bán hết số hàng tồn. Tuy nhiên, mặt hàng này để 10 năm, 20 năm, càng lâu càng có giá. Tiền lãi tích vào, tôi lại lên đường mua hàng mới nên đến giờ tôi vẫn chưa giàu được’, anh Khải mỉm cười nói.

Theo anh Khải, không phải ai buôn ngọc, đá cũng trở nên giàu có. ‘Việc mua đá phụ thuộc vào may rủi. Nhiều người đen đủi, có khi vỡ nợ do buôn đá quý.

Anh Khải tiết lộ, mua được viên đá to nhưng muốn biết giá trị hay không phải xẻ ra mới biết. 'Anh bạn tôi, vào tận rừng, mua được khối đá to, người ta định giá 3 tỷ, vội gom hết tiền lấy. Thực tế khối đá chỉ đáng giá vài chục triệu. Đến giờ anh bạn tôi vẫn cay đắng ôm khoản nợ lớn.

Chưa kể nhiều trường hợp, bị cướp hàng trong rừng, chuyến đó coi như mất trắng’, anh Khải nhớ lại. 

Theo Huy Tuấn

VietnamNet