Tiền vào nhỏ giọt, FDI sụt hơn 60% trong hai tháng đầu năm

(Dân trí) - Tính chung trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam đạt mức 1,54 tỷ USD, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, điểm tích cực là vốn giải ngân lại tăng 6,7% - ước đạt 1,12 tỷ USD.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/2/2014 cả nước có tổng cộng 122 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 830,87 triệu USD. Con số này chỉ bằng 80,7% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Với 41 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm ở mức 708,79 triệu USD, vỏn vẹn bằng 3% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2014, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam đạt mức 1,54 tỷ USD, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy vậy, vốn giải ngân ước đạt 1,12 tỷ USD, vẫn tăng 6,7% với cùng kỳ năm 2013.


Việt Nam đang chủ trương không hút đầu tư bằng mọi giá và chú trọng chất lượng giải ngân.

Việt Nam đang chủ trương không hút đầu tư bằng mọi giá và chú trọng chất lượng giải ngân.

Cơ quan quản lý đầu tư cũng cho hay, trong 2 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với 62 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 1,18 tỷ USD, chiếm 76,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 2 tháng.

 

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm ở mức 278,33 triệu USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư. Và kế đến là vận tải kho bãi với 9 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 21,75 triệu USD.

 

Trong tổng số 29 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam thì Hàn Quốc đang chiếm vị trí dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 468,98 triệu USD, chiếm 30,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 264,55 triệu USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư.

 

Trong tháng này, Nhật Bản chỉ đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 263,36 triệu USD, chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư.

 

Trong 2 tháng đầu năm, Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư 210 triệu USD. Đây là dự án do Nhật Bản đầu tư ở Bình Dương với mục tiêu sản xuất, lắp ráp các loại linh kiện cho máy bán dẫn. Qua đó, đưa Bình Dương trở thành địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 690,51 triệu USD, chiếm 44,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

 

Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 195,85 triệu USD, chiếm 12,7%. Tại địa bàn, Dự án Công ty TNHH Vsip Hải Phòng mới đây đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư 122,3 triệu USD. Đây là dự án do Singapore đầu tư với mục tiêu cung cấp dịch vụ quản lý khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ.

 

TP Hồ Chí Minh đứng thứ 3 cả nước về tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 147,95 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm, thành phố đã đón nhận Dự án Công ty TNHH Villa Arcadia với tổng vốn đầu tư đăng ký 102 triệu USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán và cho thuê.

 

Hiện tại, trong cán cân thương mại của Việt Nam, khu vực doanh nghiệp FDI vẫn đang khẳng định vai trò quan trọng khi chiếm tới 65,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước 2 tháng đầu năm. Xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu thô) dự kiến đạt 13,86 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2013. Nhập khẩu đạt 11,86 tỷ USD, tăng 17,1% so cùng kỳ và chiếm 56,48% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 2 tháng, khối doanh nghiệp này đã xuất siêu trên 2 tỷ USD.

 

Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước